Cá tra- cuộc đua giành thị phần

Nếu trước đây, cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trong cả sản xuất lẫn chế biến, xuất khẩu thì lợi thế hiện đang giảm dần. Vì thế, đổi mới quy trình sản xuất, tạo nguồn giống chất lượng và liên kết mở rộng thị trường là những việc đã làm và cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Áp lực cạnh tranh

Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” tại TP Long Xuyên (An Giang) mới đây, vấn đề thị trường tiêu thụ cũng được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cá tra là thủy sản độc quyền của Việt Nam từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu trong 20 năm qua.

Sản phẩm được nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong, các nước ASEAN ưa chuộng.

Nếu năm 1997, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,65 triệu USD, chiếm 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản thì đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đã vượt mức 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Tuy vậy, gần đây một số quốc gia đã bắt đầu đẩy mạnh nuôi loài thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến thị trường Indonesia với sản lượng nuôi đạt 110.000 tấn/năm, Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch được 10.000 tấn. Những quốc gia này sử dụng công nghệ cao, tập trung mạnh vào chất lượng thay vì số lượng.

Đại diện Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết: Trung Quốc- cụ thể là tại 2 tỉnh Quảng Đông và Hải Nam- đang dần chuyển nuôi cá rô phi sang nuôi cá tra, với nhiều công nghệ nuôi tiến bộ.

Bước đầu họ chấp nhận nhập con giống nuôi từ Việt Nam, nhưng tương lai rất khó đoán và thị trường cạnh tranh cũng dự báo sẽ hết sức gay gắt.

Còn tại Vĩnh Long, theo Chi cục Thủy sản, tổng diện tích ao nuôi cá tra toàn tỉnh hiện trên 453ha và 202 cơ sở nuôi cá. Sản lượng 6 tháng đầu năm đạt trên 45.000 tấn, đạt 57% kế hoạch năm.

Giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ao 6 tháng đầu năm từ 28.000- 32.000 đ/kg, tăng 6.000- 6.500 đ/kg so với cùng kỳ.

So địa phương khác, Vĩnh Long có cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ rất nhiều với 181 cơ sở và đa số các cơ sở này không có liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm, do đó đầu ra không ổn định, phụ thuộc rất lớn vào thị trường, dễ gặp rủi ro.

Giải quyết từ khâu giống, liên kết

Việc tiêu thụ cá tra dự báo sẽ khó khăn từ rào cản kỹ thuật.
Việc tiêu thụ cá tra dự báo sẽ khó khăn từ rào cản kỹ thuật.

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá cá tra ở mức cao nên người dân nhiều nơi ồ ạt thả nuôi. Tại TP Cần Thơ, diện tích thả nuôi đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi đã đạt hơn 1.800ha, tăng 99ha.

Trong khi đó, hiện thị trường Trung Quốc và Hong Kong dẫn đầu về nhập khẩu cá tra nước ta nhưng thiếu ổn định và rất dễ gặp rủi ro.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, trong tương lai không xa, Trung Quốc cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu mặt hàng này, do đó nếu không sớm có giải pháp chiến lược, sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tới đây ngành hàng này tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn từ rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống phá giá cao kỷ lục (từ 3,87% lên 7,74% USD/kg). Ả Rập Saudi vẫn đang tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra có thể đạt con số trên 2 tỷ USD.

Để phát huy lợi thế sẵn có và khắc phục những khó khăn đang tồn tại, người nuôi và các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau, thực hiện tái cơ cấu để có sản lượng lớn, cung cấp với giá thành đủ sức cạnh tranh.

Bên cạnh, để cá tra phát triển đúng tầm vóc của mặt hàng cấp quốc gia, cần phải bắt đầu từ con giống theo mô hình cá giống 3 cấp.

Trong đó quy định rõ, cấp 1 gồm viện, trường chịu trách nhiệm chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chất lượng; cấp 2- trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực, nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột và cấp 3 là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cố gắng xây dựng các dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa để tạo nên nét khác biệt và tăng giá sản phẩm.

Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết, tới đây sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm thủy sản đặc trưng của tỉnh thông qua các kênh thông tin truyền thông, báo đài, hội chợ, triển lãm… Nghiên cứu các hình thức sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch để có thể đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản đa dạng của thị trường. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, đặc biệt là chế biến cá tra và các sản phẩm giá trị gia tăng.

(Theo báo Vĩnh Long)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục