Đó là nhận định của TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), tại hội thảo "Chất lượng sản phẩm - Nền tảng phát triển bền vững ngành cá tra" tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 18-1.
Báo cáo của VINAPA cho thấy diện tích nuôi mới cá tra trong năm 2018 ở 9 tỉnh, thành ĐBSCL đạt 3.819 ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,3 triệu tấn (không bao gồm Long An - nơi mở rộng diện tích nuôi khá nhiều trong năm). Trong đó, một số địa phương tăng diện tích nuôi mới so với năm 2017, như Trà Vinh (tăng 150 ha), Cần Thơ (tăng 34 ha), Sóc Trăng (tăng 51 ha). Năm 2018, giá cá tra tăng rất mạnh, lên 28.500-36.000 đồng/kg, giúp người nuôi lãi đậm nhưng nay đã hạ nhiệt và dao động quanh mức 27.000 đồng/kg.
"Tôi chưa có thống kê chính thức diện tích nuôi nhưng là rất lớn, có nhiều dự án lên tới vài trăm hecta. Tại tỉnh Long An, có nơi nuôi đến 1.000 ha. Những vùng nuôi trước đây tại Sóc Trăng, nông dân bỏ hoang nay cũng đã nuôi trở lại. Năm nay, nếu thị trường tiêu thụ không hết sản lượng, giá cá sẽ giảm. Những người có lợi nhuận trước đây còn tích lũy được, chứ những người nuôi sau, người mới bắt đầu nuôi sẽ phải trả giá" - ông Dũng khuyến cáo.
Theo VINAPA, năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt hơn 2,1 tỉ USD. Trong đó, Mỹ vượt qua Trung Quốc, trở lại là thị trường dẫn đầu trong nhập khẩu cá tra từ Việt Nam - đạt giá trị hơn 525 triệu USD, tăng 57,7% so với năm 2017. Thị trường Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai với kim ngạch hơn 505 triệu USD, tăng 28,9%. Đứng thứ ba là EU, đạt hơn 231 triệu USD, tăng 19,1%; ASEAN đạt hơn 194 triệu USD, tăng 43,1%.
"Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đề xuất công nhận Việt Nam đủ điều kiện tương đương để xuất khẩu cá da trơn vào thị trường nước này. Việc công nhận tương đương này tác động rất lớn đối với ngành cá tra Việt Nam, giúp cải thiện chất lượng khu vực nuôi, chế biến và quản trị của nhà nước. Đây là kết quả tích cực" - TS Võ Hùng Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, thị trường Trung Quốc vẫn là một ẩn số trong năm 2019 khi nước này dịch chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là một cú sốc cho những doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước nay chỉ xuất khẩu tiểu ngạch. Bởi lẽ, khi xuất theo đường tiểu ngạch, việc kiểm tra chất lượng có phần dễ dãi nhưng xuất khẩu chính ngạch sẽ nghiêm ngặt hơn.
"DN Trung Quốc cần thì họ mua cá giá rất cao. Đến một lúc nào đó, họ phối hợp áp giá rất thấp hoặc thị trường ngưng trệ, DN Việt Nam sẽ gặp khó" - ông Dũng cảnh báo.
Cũng theo ông Dũng, trong năm 2018, trước việc giá cá tra tăng vọt, nhiều công ty, hộ nuôi đã thả cá với diện tích lớn.
(Theo NLĐ)