Hiện nay, giá tôm nguyên liệu trong nước đã tăng trở lại ở mức cao, thời tiết thuận lợi là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Nhằm tận dụng cơ hội thị trường và thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng của ngành, tránh bị thiếu hụt vào các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Do đó, ngày 11 tháng 10 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 7951/BNN-TCTS về việc tăng cường nuôi tôm nước lợ các tháng cuối năm 2018. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nuôi tôm ven biển chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai một số nội dung như:
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2015; Khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại những vùng có tiềm năng và đáp ứng các quy định điều kiện nuôi tôm nước lợ; Áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm; Khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh; Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh khi môi trường không thuận lợi.
Quản lý tốt chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; các cơ quan thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về: sản xuất, kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành; các địa phương đã ký quy chế quản lý giống tôm nước lợ tích cực chia sẻ thông tin để quản lý tốt chất lượng tôm giống.
Tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến để kịp thời ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Đồng thời, ngày 11 tháng 10 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 7952/BNN-TCTS về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất cá tra các tháng cuối năm 2018. Trước tình hình thị trường thế giới diễn biến theo hướng có lợi cho xuất khẩu cá tra, để duy trì chất lượng sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nuôi cá tra chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai một số nội dung: Quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm cá tra theo quy định tại Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 về quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra (Có địa điểm, diện tích nuôi cá Tra phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nuôi cá Tra thương phẩm; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y; Đáp ứng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm….); Đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển nuôi cá tra theo hướng liên kết chuỗi giá trị để ổn định sản xuất; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng con giống. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến cá tra; Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao. Thực hiện tốt đề án giống cá tra 3 cấp đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; Thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc theo quy định; tiếp tục phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chế biến, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
(Theo Khuyến nông TPHCM)