(vasep.com.vn) Khối lượng loin cá ngừ hấp đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ đã tăng vọt trong năm 2020. Khi Trung Quốc bị đẩy ra khỏi thị trường này do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì các nhà xuất khẩu khác như Thái Lan hay Việt Nam được hưởng lợi.
Nhập khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh của Mỹ năm 2020 đạt 64.975 tấn, nhiều hơn 1/3 so với năm 2019. Điều này cho thấy các nhà máy sản xuất cá ngừ của Mỹ đang cần một lượng lớn cá ngừ nguyên liệu thô để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao của người tiêu dùng do tác động của việc giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. So với năm 2019, giá trung bình nhập khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh vào Mỹ năm 2020 thấp hơn 14%, tương đướng 5.416 USD/tấn.
Phần lớn lượng loin cá ngừ hấp đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ được chuyển tới 3 nhà máy sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất tại Mỹ , một trong số đó thuộc sở hữu của Big Three. Bumble Bee sở hữu nhà máy chế biến tại San Diego, Chicken of the Sea sở hữu nhà máy tại Georgia, và StarKist sở hữu nhà máy ở American Samoa.
Các nhà chế biến cá ngừ Thái Lan không chỉ củng cố vị thế là nhà cung cấp lớn nhất loin cá ngừ hấp đông lạnh cho thị trường Mỹ mà còn gia tăng khoảng cách so với nguồn cung lớn thứ 2 là Fiji. Sau 2 năm, khoảng cách giữa hai nguồn cung đã tăng từ 2.000 tấn lên 13.000 tấn.
Năm 2018, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu loin cá ngừ đông lạnh cho thị trường Mỹ, chủ yếu là cho các nhà máy chế biến của Thai Union và Bumble Bee, nhưng cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đã khiến các sản phẩm của quốc gia Châu Á này mất đi khả năng cạnh tranh do bị áp thuế cao. Và Thái Lan đã nhanh chóng chiếm lấy thị phần mà Trung Quốc để lại và năm ngoái, khối lượng xuất khẩu loin cá ngừ của nước này sang Mỹ đã chiếm 38% tổng nhập khẩu của Mỹ.
Mặt khác, Fiji vẫn tiếp tục ổn định khối lượng xuất khẩu loin cá ngừ albacore của mình sang thị trường Mỹ, đặc biệt là cho nhà máy sản xuất đồ hộp Bumble Bee. Năm 2020, sản lượng đánh bắt cá ngừ albacore của nước này tốt đã cho phép Fiji tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines nổi lên như là hai đối thủ có sức cạnh tranh mạnh tại thị trường loin cá ngừ hấp đông lạnh Mỹ. Đáng chú ý, hai năm trước thị phần của hai nước này rất khiêm tốn. Năm 2020, các nhà chế biến cá ngừ của Indonesia đã xuất khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh sang Mỹ với giá trung bình thấp hơn 40% so với năm 2019. Hầu hết các sản phẩm cá ngừ của nước này được đánh bắt bằng cần câu tay.
Còn Việt Nam là 1 trong số các đối thủ cạnh tranh được hưởng lợi từ sự sụp đổ của Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Năm 2019, xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang Mỹ tăng gấp gần 30 lần so với năm 2018. Nhưng sang năm 2020, các nhà xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam không thể mở rộng hơn thị phần của mình tại phân khúc thị trường này của Mỹ. Điều đáng nói, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ năm 2020 đã giảm tới hơn một nửa so với năm 2019 và đạt mức thấp nhất trong số các đối thủ cạnh tranh, 2.063 USD/tấn. Trên lý thuyết, đây là mức giá cực kỳ cạnh tranh, nhưng thực tế nó không đủ để thúc đẩy nhu cầu của các nhà sản xuất Mỹ đối với loin cá ngừ của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ năm 2020 chỉ tăng 4% về khối lượng so với năm 2019.
Xuất khẩu của Colombia sang thị trường Mỹ cũng đang gia tăng. Nước này đã xuất khẩu 1.223 tấn loin cá ngừ hấp đông lạnh sang thị trường Mỹ trong năm 2020, tăng 73% so với năm 2019. Trong đó phần lớn là loin cá ngừ vây vàng, được cung cấp chủ yếu cho các nhà máy của Atunec và Gralco (thuộc sở hữu của Bolton’s Tri Marine).