Nỗ lực đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành Công thương và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường phối hợp, triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chỉ đạo, phối hợp kịp thời

Theo Sở Công thương, với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà phân phối trên địa bàn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo cung cấp cho thị trường. Đơn vị đã kịp thời phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhằm ổn định giá cả các loại hàng hóa trên thị trường.

Tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp rà soát và báo cáo tình hình lao động, chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc làm việc tại các cơ sở sản xuất đã về nghỉ Tết ở Trung Quốc, Hàn Quốc… và chưa trở lại Việt Nam; làm việc với đối tác nước ngoài để các chuyên gia, lao động của các nước tạm thời chưa quay lại Việt Nam và có phương án sử dụng lao động phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Thống kê của ngành Công thương, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh tập trung vào hạt điều, sản phẩm gỗ, thủy sản, may mặc, linh kiện điện tử, kính... sang thị trường các nước châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, tuy có ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhưng không nhiều.

Ông Trần Thiện Trí, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Trang Thủy (KCN An Phú), chia sẻ: Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới, nhưng hoạt động xuất khẩu thủy sản của công ty sang thị trường các nước vẫn diễn ra bình thường, giá cả ổn định. Công ty đang phối hợp với các ngành chức năng, cập nhật thông tin thị trường, tình hình dịch bệnh để có hướng đối phó kịp thời.

Chủ động đề phòng

Theo các doanh nghiệp trong tỉnh, hiện nay các cửa khẩu phía Bắc thắt chặt kiểm soát hàng hóa để phòng chống dịch COVID-19, tần suất vận chuyển hàng hóa bằng tàu thủy tại các cảng biển giảm so với trước đây. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa xuất được hàng thì doanh nghiệp chỉ việc giảm lượng hàng sản xuất, lưu kho, hoặc đảm bảo các khâu bảo quản. Một số doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn phương án giải quyết đầu ra, tìm thị trường mới để tiêu thụ hàng hóa...

Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (TX Sông Cầu), cho biết: Công ty xuất khẩu cá ngừ theo đường thủy sang Đài Loan, Thái Lan. Hiện nay, tần suất các chuyến tàu ít hơn so với trước đây nên công ty phải giãn thời gian xuất hàng. Ngoài ra, do nhu cầu thị trường có chững lại nên lượng hàng xuất tại công ty giảm khoảng 20-30%, song cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng tôi sẽ rà soát thị trường để có giải pháp phù hợp.

Còn ông Trần Minh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn Tuy Hòa, cho hay: Số lượng hạt điều chế biến tại công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thị trường Trung Quốc chỉ xuất số lượng ít. Do đó, việc Trung Quốc đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ không tác động nhiều đến hoạt động của công ty. Riêng về nguyên liệu thô thì trước Tết, công ty đã nhập khẩu, dự trữ nên hiện tại có thể đảm bảo nguồn hàng sản xuất. Công ty cũng tăng cường tìm kiếm thị trường mới để tạo đầu ra, đề phòng tác động của dịch bệnh COVID-19.

Theo Sở Công thương, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng. Do vậy, ngành Công thương tỉnh chủ động đề ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngành Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp, tìm thêm thị trường để nhập nguồn nguyên liệu nếu bị thiếu hụt và tạo đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, giải pháp trước mắt để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh là cần tập trung đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 “Sở Công thương sẽ thiết lập đầu mối với sở công thương các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ giới thiệu và kết nối các thương nhân, nhà phân phối, siêu thị, nhà hàng...; tổ chức đoàn khảo sát, tư vấn trực tiếp tại các địa phương; thực hiện kết nối cung cầu hoặc làm việc trực tiếp với các nhà phân phối. Đơn vị cũng cung cấp thông tin đến các thương vụ nước ngoài, tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hoặc những thông tin bất lợi đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh tại các thị trường để các doanh nghiệp chủ động có kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ. Sở sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường nước ngoài khác ngoài thị trường truyền thống“, ông Trần Văn Tân thông tin thêm. 

Sở Công thương sẽ hỗ trợ các thương nhân có đủ uy tín, năng lực làm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để đa dạng kênh phân phối. Triển khai chương trình “Trải nghiệm sản phẩm tỉnh Phú Yên trên môi trường trực tuyến” nhằm giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Cụ thể là hỗ trợ các thương nhân thiết kế trang thông tin và đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, liên kết, quảng bá qua sàn thương mại điện tử các tỉnh, facebook, zalo…; tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương

(Theo báo Phú Yên)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục