Nam Việt tiếp tục liên doanh với đối tác Hàn Quốc khởi động lại dự án collagen và gelatin

Liên doanh giữa Amicogen và Công ty cổ phần Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) được đặt mục tiêu cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng collagen và gelatin đầu tiên cho thị trường Việt Nam từ năm 2022.

Ý định đầu tư vào mảng collagen với đối tác Hàn Quốc - Amicogen của Navico có từ năm 2019, nhưng bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Navico vừa cho biết, đến cuối tháng 6/2021, các chuyên gia đại diện phía đối tác Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam để cùng với công ty hoàn thiện các bước cuối cùng về thiết kế, tư vấn kỹ thuật và khởi công nhà máy dự kiến vào tháng 8/2021.

Đây cũng là dự án chiến lược trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sang các sản phẩm giá trị gia tăng có hàm lượng kỹ thuật cao của Navico.

Đối tác Amicogen được biết đến như nhà sản xuất collagen và gelatin hàng đầu của Hàn Quốc, IPO trên sàn KOSDAQ từ tháng 9/2013, với hơn 21 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm làm đẹp.

Liên doanh Amicogen và Navico đặt tham vọng cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng collagen và gelatin đầu tiên cho thị trường Việt Nam vào năm 2022.

Đầu tháng 3/2020, Navico công bố thông tin về việc thành lập Công ty TNHH Amicogen Nam Việt có trụ sở chính tại Cần Thơ, với vốn điều lệ 46.48 tỷ đồng; do ông Phạm Hưu Hướng, thường trú tại An Giang làm giám đốc.

Trong đó, Navico góp 50% vốn và phần còn lại do Công ty TNHH Đại Tây Dương góp. 

Nam Việt tiếp tục liên doanh với đối tác Hàn Quốc khởi động lại dự án collagen và gelatin
Sản xuất cá tra trong nhà máy của Navico

Thông qua liên doanh nói trên, nhà máy công suất 800 tấn thành phẩm collagen và gelatin mỗi năm, theo tiêu chuẩn Hàn Quốc đã được xây dựng giai đoạn 1, với diện tích hơn 9.600 m2 tại khu công nghiệp Thốt Nốt, Cần Thơ; chi phí đầu tư dự kiến gần 4 triệu USD.

Với năng lực sản xuất khoảng hơn 450 tấn nguyên liệu/ngày như hiện nay, mỗi ngày nhà máy chế biến của Navico có thể cung cấp một lượng da rất lớn cho sản xuất collagen và gelatin.

Da cá tươi có giá dao động quanh 0,5 USD/kg, nếu sản xuất ra collagen có thể đạt mức từ 25-40 USD/kg.

Hiện tại, cơ cấu lợi nhuận của Navico bao gồm các mảng cá tra đông lạnh xuất khẩu, nuôi cá nguyên liệu, chế biến thức ăn thuỷ sản, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, phụ phẩm và điện mặt trời.

Ban lãnh đạo Navico kỳ vọng lợi nhuận giai đoạn 1 của nhà máy collagen và gelatin là 1,5 triệu USD, đóng góp vào 10% lợi nhuận của công ty.

Nam Việt là doanh nghiệp thứ hai tại Việt Nam đầu tư lớn vào nhà máy collagen và gelatin trong ngành chế biến cá tra fillet.

Trước đó, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đi đầu với dự án này khi mảng collagen và gelatin đóng góp 20% lợi nhuận và 10% doanh thu công ty.

Nếu thành công, dự án này không chỉ góp phần vào kết quả kinh doanh cho Navico mà còn có ý nghĩa lớn trong việc tối ưu chuỗi giá trị sản xuất, tận dụng một cách hiệu quả những phế phẩm, gia tăng giá trị cho Navico.

Collagen được diễn giải một chuỗi liên kết Amino axit có trong sụn động vật, da và vảy cá, giúp phục hồi và liên kết các mô trong cơ thể, đặc biệt có tác dụng tạo sự đàn hồi tốt cho làn da.

Hiện nay, collagen được sử dụng chủ yếu trong ngành thực phẩm, y dược và mỹ phẩm.

Đặc biệt các sản phẩm và phương pháp trẻ hóa làn da bằng collagen đang rất được ưa chuộng và ngày càng phổ biến trên thế giới.

Collagen và gelatin chế biến từ da cá tra không còn là sản phẩm quá mới đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, nhưng không nhiều doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam hoàn thiện chuỗi sản xuất, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất lâu năm từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

.
5 doanh nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra qua một số kết quả kinh doanh (Nguồn: VASEP).

Ban lãnh đạo Navico còn đặt kỳ vọng vào cơ hội từ thị trường nội địa, với dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng cho sức khoẻ và làm đẹp ngày càng lớn khi mức sống của người dân được cải thiện.

Với Vĩnh Hoàn, nhà máy collagen và gelatin đi vào hoạt động từ tháng 03/2015.

5 năm sau đó, doanh nghiệp này hoàn thành việc mở rộng dây chuyền gelatin mới, góp phần nâng tổng suất của nhà máy collagen và gelatin lên đến 3.500 tấn thành phẩm/năm.

Theo Báo cáo thường niên năm 2020, ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn đánh giá, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng lợi nhuận. Dây chuyền mở rộng trong mảng này của Vĩnh Hoàn tuy bị trì hoãn và hoàn thành trễ hơn dự kiến, song sẽ được vận hành vào năm 2021.

Cụ thể, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu collagen và gelatin là 40%, đạt mức 35 triệu USD. Lợi nhuận ròng của sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tăng tương ứng khoảng 20%.

Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu và phát triển mới được xây dựng tại Vĩnh Hoàn collagen sẽ đóng vai trò là trung tâm "ươm mầm" cho việc những ý tưởng mới trong kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm.

(Theo báo Đầu tư)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục