Mấy ngày Tết, lúc rảnh rỗi tôi tìm đọc tin thế giới về thủy sản. Chủ ý tìm con tôm, bởi là lĩnh vực tôi đang quan tâm. Nhưng tin con cá xuất hiện nhiều hơn, nhất là cá minh thái (pollock). Nhân thấy bản tin này ít nhiều có liên quan với ngành thủy sản nhà, nhất là tuần qua giá cá tra trong nước đầy biến động, tôi ghi lại những gì đã diễn ra nhằm thêm thông tin, cái nhìn cho các đồng nghiệp.
Trên bản tin Seafoodsourse News ngày 2/2/2022 có ghi: “Các chuyên gia dự đoán giá cá minh thái sẽ tăng đột biến trong năm 2022 do diễn biến phức tạp của chuỗi cung ứng và nguồn thu hoạch toàn cầu giảm…”. Dòng tin không dài này có phải là tin vui đầu năm cho thủy sản Việt nói chung và nhất là cá tra? Bởi trong thực tế cá minh thái là đối thủ các tra ở EU, Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, bởi cùng nằm trong 5 loài cá thịt trắng có sản lượng lớn nhất thế giới và nhất là hai loài cá này có giá cả khá tương đồng. Từ đó, có thể thay thế nhau trên bàn ăn. Năm nào, dự kiến cá minh thái trúng vụ là các hệ thống phân phối cá lớn ở EU nhờ vả các phương tiện truyền thông “bêu xấu” cá tra Việt để họ giành khách hàng.
Đòn cạnh tranh không sòng phẳng này cũng có lúc khiến cá tra của ta gặp vô vàn khó khăn để trụ được ở EU. Với cái tít bài báo: “Giá cá minh thái tăng cao bởi nguồn cung giảm, nhu cầu mạnh” cho thấy tính khái quát tình hình. Dự kiến mức khai thác cá minh thái năm 2022 của Hoa Kỳ có thể giảm non 200.000 tấn và gần trăm ngàn tấn từ khai thác của Nga so năm 2021 sẽ là lợi thế cho cá tra ta. Lợi thế khác là để gia tăng hiệu quả, các nhà chế biến Hoa Kỳ có xu thế chế biến cá minh thái ra surimi ngày càng nhiều và kéo dài từ năm 2019 đến nay, có nghĩa sản lượng cá minh thái philê sẽ giảm đi, trong khi sản phẩm chủ lực từ cá tra là philê, cho nên sản phẩm philê các tra thêm rộng cửa.
Trở lại tình hình hoạt động ngành cá tra trong nước. Tuần qua là tuần có diễn biến giá cá tra thương phẩm tăng mạnh lên tới 30.000 đồng/kg (đối với size tiêu chuẩn xuất đi Mỹ). Tuy nhiên, mức tăng đột biến này cũng có thể là tín hiệu vừa mừng vừa lo. Mừng vì giá cá nguyên liệu tăng (so với mức 24.000 đồng/kg trước tết), sắp tới giá xuất cũng sẽ tăng lên, nhưng lo là vì mức tăng đột ngột quá khiến nhiều doanh nghiệp không thể mua cá ngoài.
Có lẽ nguyên nhân giá cá tăng trước tiên là do lượng cá thiếu hụt ngắn hạn lúc này. Vì từ tháng 7 - 9/2021 khi miền Tây rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, ngành cá tra bị ảnh hưởng khá nặng nề. Các ao cá chỉ duy trì, hạn chế cho ăn và đâu dám thả nuôi thêm vì rủi ro giá cả và rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chế biến giữ vững được hoạt động chế biến, có khả năng duy trì các ao cá và mảng nuôi cá, quy mô ít nhiều tùy hoàn cảnh riêng.
Từ tháng 10/2021 khi trở lại trạng thái bình thường mới, tổng thể ngành cá mới tái khởi động cho chuỗi giá trị cá tra. Với lý thuyết này, có thể đến giữa tháng 6/2022 sản lượng cá mới hồi phục tốt. Nguyên nhân thứ hai giá cá tăng mạnh do tình hình thế giới nêu trên, các doanh nghiệp cá có thể có nhiều đơn hàng mới năm 2022 với giá tiêu thụ tốt hơn nên đã nỗ lực cho tổ chức nuôi, mua thêm từ các hộ nuôi liên kết để thêm sản lượng cung ứng nhu cầu thế giới đang có xu thế tốt cho cá tra philê chúng ta.
Là người ngoài cuộc, tôi chỉ đưa ra thông tin có tính chất để tham khảo và nhận định của tôi là “thói quen” từ một thành viên trong ngành chế biến thủy sản Việt mà ra! Với tình hình này, các doanh nghiệp cá tra cũng nên tính toán tới việc cân đối hoặc đẩy lượng nuôi cá tra để giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng hiệu quả hoạt động, bù đắp năm qua đầy thách thức. Chắc chắn năm 2022 là năm đầy thú vị cho ngành cá tra chúng ta. Khủng hoảng từ dịch bệnh năm 2021 sẽ khiến phân hóa không nhỏ các doanh nghiệp chế biến, bản lĩnh nổi trội một số doanh nhân ngành cá sẽ thể hiện rõ hơn qua khó khăn này.
Trở lại với “sở trường” của tôi, con tôm, thời gian trước tết một tháng đến nay là quãng thời gian hết sức nhộn nhịp của hoạt động nuôi tôm. Năm nay, thời tiết không lạnh lắm và ngày nắng khá tốt, tôm sẽ phát triển ổn định và ít dịch bệnh. Song song, với quy trình nuôi mới, ao lót bạt đáy, chủ động kiểm soát môi trường ngày càng tốt hơn, các ao nuôi này đã đón được giá tốt khi cung ứng cho mảng nhà hàng đang phục hồi.
Giá bán tôm sống (thở oxy quá trình vận chuyển hoặc cho ngủ đông nếu vận chuyển xa) rất cao, có thể hơn tới 20% so giá mua của các nhà máy chế biến. Những ao nuôi mùa nghịch này cũng góp phần các nhà máy chế biến thêm nguồn nguyên liệu, dù giá tôm nguyên liệu lúc này chỉ góp phần cho việc duy trì khách hàng và việc làm, chớ hiệu quả sẽ không như ý.
Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, với tình hình này việc tiêu thụ các doanh nghiệp tôm sẽ khởi sắc ngay từ đầu năm và hứa hẹn năm 2022 chinh phục mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm là trong tầm tay. Điểm lưu ý là phải “biết người biết ta”, hai đối thủ tôm lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ đang ráo riết tăng sản lượng lẫn hàm lượng trong chế biến hòng cạnh tranh tôm ta, nhất là ở Hoa kỳ, là thị phần tôm Việt cao nhất. Nhưng chúng ta có niềm tin các doanh nhân thủy sản Việt có đủ bản lĩnh trên thương trường mình đã dạn dày “chinh chiến” bao năm qua, sẽ vượt qua các thách thức, trong đó yếu tố hết sức cơ bản là nâng cao hơn trình độ chế biến để chiếm lĩnh mảng tiêu thụ cao cấp ở các thị trường tiêu thụ trọng điểm, ít đối thủ và có biên lợi nhuận tốt.
Tín hiệu vui cho cá lẫn tôm, hai sản phẩm chủ lực ngành thủy sản nước ta xuất hiện ngay từ đầu năm. Hi vọng, sẽ là khởi đầu cho những tin vui lớn hơn, xuất hiện hàng tháng trên các bản tin VASEP. Bởi ông bà ta có câu “Đầu xuôi đuôi lọt”!
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Để có thêm thông tin về sản xuất, xuất khẩu tôm 5 năm (2016-2021), xin mời quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm 2016 - 2021, dự báo tới 2025