(vasep.com.vn) Bây giờ tràn đầy trên các phương tiện truyền thông là hình ảnh các hoàn cảnh ngặt nghèo diện rộng. Nông dân khóc ròng với giá phân bón, người chăn nuôi đuối sức với nhiều lần tăng giá thức ăn. Một nắng hai sương để có quả lành trái ngọt lại gặp cảnh dội chợ, nông dân lại trĩu lòng lo cho số nợ đã vướng mang. Kìa hành tím, thanh long, khoai tím, xoài, mít và sắp tới còn thêm sản phẩm nào nữa gia nhập câu lạc bộ đau tim này! Lãnh đạo ngành nông nghiệp đang đau đầu vạch ra chiến lược hoạt động tới đây để hạn chế tối đa những hình ảnh đau buồn này tái diễn.
Sản xuất nông nghiệp gặp khó, nói rộng hơn chủ ao nuôi cá tra cũng chưa tìm ra điểm hoà vốn cho mình. Còn hộ nuôi tôm cũng trầy trật, đầu vào cái gì cũng tăng giá, có lý do rất chính đáng, còn đầu ra may rủi, chớ không ai có thể chủ động cho mình. Lĩnh vực logistics cũng cạnh tranh không thua ai. Nhất là chi phí container vận chuyển hàng xuất khẩu đã tăng 4-5 lần so bình thường và chưa hẹn điểm dừng, chớ nói chi chuyện trở lại trạng thái ban đầu khi chưa có dịch.
Thông tin quốc tế còn có dự báo một đợt tăng giá đồng loạt quy mô toàn cầu, cơ bản là giá vật tư tăng, kể cả gỗ cũng tăng. Chỉ có điều không ai dự báo thu nhập đầu người có tăng hay không. Tất cả đổ lỗi dồn lên covid-19! Con virus này được tô vẽ thành hình tượng tên đồ tể tầm vóc toàn cầu, mà bản thân nó đâu ai nhìn thấy! Thế giới đang chống trả với kẻ thù vô hình! Thật ra nó hữu hình như nhà khoa học đã nhìn thấy nó qua kính hiển vi có hình dáng khá đẹp như cái vương miện! Có điều những nhà khoa học hàng đầu chưa biết rõ năng lực phép thuật nó tầm cỡ nào, cỡ Sa Tăng hay Tề Thiên! Thực tế nó tầm cỡ Tề Thiên vì có khả năng thăng thiên nhanh chóng từ châu lục này bay tới châu lục khác trong thời gian ngắn và trong gần 2 năm qua, nó đã biến hóa khá thần thông, được định danh 5 cái tên khác nhau rồi.
Nhắc tới nó bây nhiêu cũng quá đủ, trở lại chuyện vượt lên chính mình, nói cách khác tìm cách tự cứu mình. Ở đây chỉ nhắc tới phạm vi hẹp, trong ngành chế biến thủy sản. Cái khó trong ngành chế biến thủy sản là cơ bản mọi yếu tố đầu vào đều tăng! Nhưng yếu tố tăng đáng sợ nhất lại ngoài vòng kiểm soát của các doanh nghiệp (DN) chế biến. Đó là chi phí vận tải bằng container lạnh, tăng ít ra 5 lần đối với tuyến đi EU và hơn 2 lần cho tuyến Bắc Mỹ. Đây lại là hai thị trường hàng đầu của thủy sản Việt chúng ta, chủ yếu là tôm và cá. Thách thức này lớn dần và đang trở thành một thách thức mang tính chất quyết định thành bại của các DN, bởi chi phí này còn đang tăng và mức chi phí tăng so năm rồi đã vượt qua lợi nhuận các DN có được cho lô hàng đó.
Giả sử, tới đây các DN thủy sản công bố hiệu quả hoạt động có giảm sút so năm rồi, cũng là điều bình thường, từ bối cảnh chung không riêng ai, mà là tình trạng chung cho tất cả DN cung ứng hàng xuất khẩu có giá trị lô hàng từng container không quá cao. Các DN chế biến thủy sản cũng không thể thụ động nhìn thành quả, công sức của hàng ngàn lao động bị mai một không đáng, nên đang nỗ lực khắc phục bằng mọi giải pháp, mọi khả năng; phải tự cứu mình.
Trước tiên các DN phải làm “gọn” mình, sắp xếp lại nhân sự sao tinh giản và hiệu suất tốt. Rồi sắp xếp dây chuyền lao động sao có năng suất tốt hơn. Dù đây là những giải pháp đã áp dụng thường xuyên, nhưng trong bối cảnh hiện nay phải chú tâm hơn không phải là không có ích.
Rồi tính toán tiết kiệm mọi mặt như nguyên liệu, năng lượng, vật tư… cũng là bài toán phổ biến nhưng nay là bài toán có ý nghĩa lớn lao hơn.
Giải bài toán mới, tìm khách hàng thị trường gần có chi phí container tăng nhẹ như Nhật Bản, Hàn Quốc… để so sánh, xây dựng thị trường chiến lược cho DN trong hoàn cảnh mới, miễn sao giảm thiểu thiệt hại và tăng hiệu quả cho DN.
Tập trung nguồn lực để hoàn tất và giao hàng nhanh nhất từng lô hàng, giảm thiểu rủi ro và quay vòng vốn nhanh. Muốn vậy, phải có kế hoạch dự trữ đầy đủ vật tư, phụ liệu, phụ gia cần thiết. Bởi rủi ro không chỉ tới DN bằng đường thẳng mà còn tới qua cầu nối là xâm nhập các DN cung ứng vật tư, phụ liệu cho DN chế biến (*).
Thương lượng các đối tác các thị trường có chi phí container tăng cao, điều chỉnh giá cả mua bán nhằm chia sẻ khó khăn để cùng tồn tại và vì mối quan hệ thương mại lâu dài.
Tập trung kinh doanh mặt hàng chế biến sâu có tỷ suất lợi nhuận cao, nghiên cứu mặt hàng mới có ưu thế cạnh tranh và dĩ nhiên những lô hàng nào có lợi nhuận không bù đắp nổi chi phí container tăng thêm thì giảm thiểu mua bán ngay, nếu đối tác không có động thái phối hợp tích cực.
Nếu có điều kiện, coi trọng mảng chế biến phụ phẩm, tìm tòi tạo thêm mặt hàng mới để góp phần tốt đẹp vào kết quả chung. Các DN chế biến cá tra đang thể hiện thế mạnh này cực tốt.
Một giải pháp nữa, tuy không mới mẻ gì nhưng lại nổi bật, đáng quan tâm trong bối cảnh này. Đó là tham gia những mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm tạo thêm lợi nhuận, giảm giá thành cho sản phẩm cuối cùng. Thí dụ bên cá tra có thêm mảng nuôi cá, thậm chí làm thức ăn cá và tự cung ứng cá con. Bên tôm có thể đẩy mạnh mảng nuôi tôm. Với tâm thế đi trên nhiều chân, các DN sẽ tự làm giảm thiểu rủi ro cho mình. Thí dụ nuôi tôm, tôm nguyên liệu lên giá bên chế biến sẽ thất thế nhưng bù lại bên nuôi có hiệu quả vì giá tốt chẳng hạn.
Có nhiều giải pháp mới khác nữa nhưng chưa thể nắm bắt thông tin để cùng trao đổi ở đây. Có điều, ngoài các giải pháp nêu trên để các DN vượt lên, vượt qua khó khăn, tự cứu mình thì giải pháp căn cơ nhất là luôn luôn nêu cao ý thức phòng chống Covid-19 thông qua giải pháp 5K và kiểm soát nguồn gốc lao động. Hiện nay, diễn biến dịch vô cùng phức tạp ngoài cộng đồng. Dù đã nỗ lực tối đa, nhưng cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát tuyệt đối khi còn một ít người dân vô tình do thiếu hiểu biết hoặc ý thức thấp đã tạo thêm những mầm dịch mới trong cộng đồng. Như vậy, rủi ro từ lây lan dịch vào các DN là không nhỏ.
Nếu có lao động bị dương tính, DN tạm đóng cửa 3 tuần, đôi khi không bị khủng hoảng từ khó khăn khách quan mà có thể bị thiệt hại nặng từ một sơ suất nhỏ. Nhận định trước tầm quan trọng của tình huống này, VASEP đã có Công văn số 70 (18/6/2021) nhắc nhở các DN kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua hoạt động kiểm tra hàng tại các nhà máy của từng DN – một sự lo lắng quan tâm của VASEP về nội dung không lớn nhưng tiềm ẩn nguy cơ nếu bộc phát sẽ có hậu quả không nhỏ.
Có câu tháng rộng ngày dài, nhưng giai đoạn đầy âu lo này, thời gian lại như trôi nhanh hơn. Diễn biến Covid-19 phức tạp, phát sinh mới hàng ngày khiến mọi suy tư tập trung vào giải pháp ứng phó, nên quên mất cả thời gian, nên chúng ta dễ có cảm giác như nó qua mau! Ngành thủy sản, xưa nổi tiếng năng động, nay chắc chắn sẽ năng động hơn, các DN thủy sản sẽ biết cách tự cứu mình, vượt qua khó khăn từ đại dịch và hệ quả từ đại dịch. Để sau cơn cuồng phong, trời sẽ sáng, cộng đồng DN thủy sản còn đông đủ, thậm chí sẽ có nhiều gương mặt rạng rỡ hơn, do đã thoát hiểm ngoạn mục hoặc đã tranh thủ được cơ hội tốt từ môi trường Covid.
Tháng 6/2021
(*): Trung tuần tháng 6 này, DN cung ứng các loại bột, cung ứng nước sauce cho các DN chế biến thủy sản đang gặp khó. Các KCN trên TPHCM, nơi các DN cung ứng này tọa lạc và hoạt động, có ca dương tính, khiến hoạt động chung nơi đây bị xáo trộn ít nhiều. Hệ quả các DN chế biến thủy sản cũng âu lo, chờ đợi phụ liệu, phụ gia để hoàn tất đơn hàng giao khách nước ngoài.