Có người cho rằng thương trường như chiến trường. Cách ví von đầy hình tượng này khiến tôi thấy hay và sẵn tiện mượn luôn hình ảnh này để câu “view”. Chớ thực tôi muốn nói cục diện thương trường, cụ thể là thương trường tôm.
Ngành tôm hiện nay nhắc nhiều “lục quốc” là Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Đó là sắp theo sản lượng. Nhưng non 20 năm trước, nhất là đầu thế kỷ 21, con tôm thẻ chân trắng được gia hóa, sinh sản nhân tạo và sau đó là lai tạo giống sạch bệnh không còn bệnh Taura, thì lục quốc lúc đó có khác.
Trung Quốc có năm đạt sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Cao điểm Thái Lan là 0,6 triệu tấn. Các cường quốc tôm còn lại ở 0,4 triệu tấn là tốt rồi. Còn nếu trở về quá khứ sâu hơn, thêm 15 năm nữa, Đài Loan mới là độc cô cầu bại trong nuôi tôm sú, là nơi có sản lượng tôm nuôi hàng đầu. Những độc cô đại bại vì dịch bệnh trên tôm sú không chữa trị được, ngưng nuôi tôm sú và chuyển qua nuôi cá phi lai, thành công và duy trì đến nay.
Trung Quốc đạt sản lượng tôm nuôi cao nhất thế giới và thành tích này chắc nhiều năm nữa chưa ai tiếp cận nổi. Tuy nhiên, sau hào quang đó, hậu quả là ô nhiễm môi trường nặng nề và dịch bệnh tràn lan, khiến sản lượng tôm nuôi Trung Quốc hiện nay chỉ duy trì ở mức 0,6-0,7 triệu tấn, chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Cũng nhờ tôm thẻ chân trắng, Thái Lan nhanh chóng đưa sản lượng từ khoảng 0,3 triệu tấn tăng lên gấp đôi. Những năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua khiến việc nuôi tôm Thái Lan bị suy giảm khá mạnh. Hiện nay chỉ duy trì mức 0,3 triệu tấn, thậm chí thấp hơn. Khó khăn do thiếu lao động khâu nuôi lẫn khâu chế biến. Nếu nghề nuôi cá nheo của Mỹ ở các bang miền nam sử dụng lao động nhập cư từ Mexico thì nghề chế biến tôm tập trung khu vực tây của Thái Lan sử dụng lao động nhập cư từ Myanmar. Dịch bệnh thắt chặt biên giới khiến Thái thiếu lao động phổ thông, ngành tôm Thái từ đó suy giảm.
Thái Lan là nước phát triển ngành tôm rất sớm từ những năm 70 thế kỷ trước. Họ cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á cho sinh sản nhân tạo và nuôi tôm sú. Trình độ chế biến của họ cũng dẫn đầu trong “lục quốc” tôm thời gian dài. Từ đó sản phẩm tôm của họ đa phần chế biến sâu, chiếm lĩnh mảng khách hàng cấp cao các thị trường lớn thế giới. Minh chứng cho tiến trình thâm niên là Thái có nhiều cơ sở cung ứng sản phẩm phụ trợ cho chế biến tôm như các loại bột, các loại nước sauce… mà VN chưa tự cung ứng trọn vẹn cho tới thời điểm này, phải nhập từ Thái khiến chi phí tăng.
Từ 2015 Thái Lan mất ưu đãi thuế quan (GSP) khi bán tôm vào EU, tôm Việt nhanh chóng tiếp quản khách hàng vì còn lợi thế thuế quan ưu đãi. Khi năm 2020, EVFTA có hiệu lực, tôm Việt đã hoàn toàn đẩy lùi tôm Thái trên kệ các hệ thống phân phối lớn ở thị trường này. Hiện nay tôm Thái còn vào được Anh vì quy chế chung cho tất cả các nước. Một thời tôm Thái cũng dẫn đầu bán vào Nhật Bản, nhưng thời điểm này chỉ còn đứng thứ ba sau tôm Việt và tôm Indonesia. Tôm Thái bán vào Hoa Kỳ cũng xếp sau tôm Việt một bậc (hạng 4 và 5) (Theo BCXK TSVN do VASEP xuất bản). Tôm Thái bán vào Hàn Quốc nhưng quy mô quá nhỏ so tôm Việt đang đứng đầu thị trường này. Tóm lại, Tôm Thái đang duy trì khá mạnh ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh… Quy mô chỉ bằng 1/3 so tôm Việt nhưng lại là đối thủ hàng đầu của chúng ta. Bởi khúc thị trường cho tôm chế biến sâu, chủ yếu tôm Việt và tôm Thái chiếm lĩnh.
Hiện nay, ngành tôm Thái đang gặp khó khăn như nêu trên. Mặt khác, Thái là nước có thu nhập bình quân đầu người cao trong “lục quốc tôm”, thanh niên Thái nâng cao học vấn và không thiết tha nghề tay chân vất vả. Cho nên lao động Thái trong các cơ sở chế biến ngày càng giảm dù chi phí thù lao cao. Từ đó, ngành chế biến tôm Thái sử dụng lao động Myanmar và thậm chí Cambodia nhưng gặp hạn chế nhiều yếu tố, nhất là kiểm soát nhập cư. Hiện nay, ngành tôm Thái đang có chiều hướng hết sức rõ nét, là thu hẹp quy mô. Thể hiện các trang trại nuôi dừng hoạt động không ít, các cơ sở chế biến đã đóng cửa khá lâu và chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Tình hình này phản ảnh rõ nét khi có nhiều khách hàng mua tôm từ Thái và Việt nay tập trung tìm hướng mở rộng thương mại với đối tác Việt. Việt Nam được ưu tiên lựa chọn vì cùng đẳng cấp chế biến và giá cả cũng khá tương đồng với tôm Thái.
Cục diện thương trường từ nay có khác. Sản lượng tôm Việt chỉ mới trong top 3, đẳng cấp chế biến và tiếng tăm thị trường tôm Việt có đối thủ lớn nhất là Thái Lan. Nay tình hình mới, tôm Việt có thể đứng đầu tuyệt đối mảng thị trường cho sản phẩm chế biến sâu trên tất cả thị trường lớn trên thế giới nếu các doanh nhân tôm nắm bắt được cơ hội hiện nay. Thời cơ, vận hội đôi khi “bất chiến tự nhiên thành”, nhưng cơ hội vàng này để nâng tầm tôm Việt đòi hỏi sự quyết đoán, linh hoạt và dũng cảm của cả đội ngũ doanh nhân tôm ta.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN