Những cơ hội mang lại từ EVFTA, CPTPP cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Nhờ việc tham gia 16 hiệp định FTA với các nước (chiếm tỷ trọng lớn 73% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam, mà uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam được nâng cao hơn và sản phẩm được XK đi hơn 160 thị trường với các mặt hàng chủ lực như tôm (3,5-4 tỷ USD/năm), cá tra (1,8-2,2 tỷ USD/năm), cá ngừ, mực, bạch tuộc 1-1,2 tỷ USD/năm cùng với 1,2-1,5 tỷ USD các loại cá biển khác...

Năm 2019, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập với thế giới. Theo đó, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường XK, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA như Ấn Độ, Thái Lan. Cùng với đó sẽ được hưởng ưu đãi từ thuế quan xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản. Đặc biệt, theo một cam kết chưa từng có tiền lệ là với việc mở cửa thị trường mua sắm công, lần đầu tiên các DN thủy sản Việt có thể tiếp cận được thị trường mua sắm công cực kỳ tiềm năng của các nước EU và 10 nước CPTPP.

CPTPP và EVFTA được đánh giá không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh XK mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững.

Bên cạnh những cơ hội, cũng sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn.

Các DN thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt quy tắc xuất xứ của các FTA, tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan. Đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Trong 5 năm tới, để tận dụng được triệt để những cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP, cả DN thủy sản và các Cơ quan Chính phủ đều phải nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng, cải cách thủ tục hành chính. DN cần nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc tiếp cận công nghệ và thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất chế biến và kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu sang các thị trường có ký FTA.

EVFTA mới có hiệu lực từ 1/8/2020, DN đã và đang gặp khó khăn gì từ việc tận dụng hiệu quả cơ hội và khắc phục thách thức mới từ EVFTA và CPTPP? Hiệp hội và Cơ quan nhà nước có thể làm gì để hỗ trợ cho DN. Hiệp hội mong muốn nhận được chia sẻ, góp ý của cộng đồng DN cho vấn đề này. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục