Phí tăng cao, mức nào là hợp lý?

(vasep.com.vn) Ngày từ đầu năm 2017, các doanh nghiệp (DN) chế biến XK thủy sản đã liên tục phản ánh mức phí phải trả cho một số phí thẩm định mà trước 1/1/2017 hoặc không có hoặc ở mức phù hợp, trong đó đáng kể là phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Với mức 350.000 đồng/lô hàng theo quy định mới tại Thông tư số 286/2016/TT-BTC (TT286) ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính là phí thẩm định cấp giấy chứng nhận cho trường hợp phải (đi) kiểm tra, lấy mẫu tại doanh nghiệp, đây là mục phí mà trước đây không có, một DN chế biến XK cá tra tại ĐBSCL phải trả thêm đến 1,2 tỷ đồng cho năm 2017 nếu như quy mô sản xuất tính toán như năm 2016.

Trước đó, ngay sau khi nhận được phản ánh của DN hội viên về vấn đề này, VASEP cũng đã gửi Công văn số 25/2017/CV-VASEP tới Bộ Tài chính kiến nghị về mức phí quy định tại 4 thông tư về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và an toàn thực phẩm, bao gồm cả nội dung này.

Sau khi nhận được kiến nghị của VASEP, ngày 14/3/2017, Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp giữa VASEP và các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế xung quanh bốn thông tư này của Bộ Tài chính.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP đã phản ánh những kiến nghị từ phía DN hội viên và cho rằng, mức phí tăng theo quy định tại TT286 rất cao và làm gia tăng chi phí đáng kể của doanh nghiệp khi mà trước đây DN không phải trả chi phí này. Một số DN tính toán, nếu lấy quy mô sản xuất XK như năm 2016 thì các doanh nghiệp sẽ phải mất thêm từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm cho mỗi doanh nghiệp, tùy quy mô sản xuất.

Trong thực tế, mỗi lần đi lấy mẫu, ngoài việc lấy mẫu để thẩm tra theo yêu cầu Nhà nước quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT thì số lớn hơn còn lại là lấy mẫu kiểm tra cấp giấy theo yêu cầu của khách hàng, của nước nhập khẩu và/hoặc kết hợp với kiểm tra điều kiện sản xuất của DN. Các chi phí kiểm hàng hiện tại của DN đều đang tăng đáng kể. Nếu từ ngày 1/1/2017, quy định tại TT286 phải thu thêm phí đi kiểm tra, lấy mẫu là 350.000 đ/lô hàng thì DN sẽ gánh thêm khoản chi phí không nhỏ vì trung bình mỗi tháng mỗi DN đều phải đề nghị kiểm tra, lấy mẫu từ hàng chục đến hàng trăm lô hàng (tùy quy mô DN) bao gồm cả kiểm tra theo yêu cầu của Nhà nước (TT 48/2013) và theo yêu cầu của khách hàng, của nước nhập khẩu.

Cũng tại cuộc họp ngày 14/3/2017, theo ông Ngô Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD - đơn vị được Bộ NNPTNT giao thực hiện và thu phí theo quy định tại TT286) cho biết, phí thẩm định cấp giấy chứng thư cho lô hàng theo yêu cầu của nước NK được thực hiện theo Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT. Còn với những lô hàng khác theo yêu cầu của DN là khách hàng hoặc yêu cầu của một số thị trường bắt buộc phải lấy mẫu qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì thỏa thuận theo cơ chế giá.

Mức phí thẩm định mà cơ quan đang thu đã được tính toán cụ thể dựa trên chi phí thực tế mà cơ quan Nhà nước phải bỏ ra và đã được Bộ Tài chính thẩm định một cách cụ thể. Chi phí này không tính dựa trên chi phí đi kiểm tra lấy mẫu ở 1 doanh nghiệp mà tính theo một kiểm tra viên mỗi lần đi kiểm tra 3 DN, mỗi DN kiểm tra 3 lô hàng, tổng cộng là kiểm tra 9 lô/ngày theo hệ số kết hợp. Hơn thế nữa, theo tổng hợp của NAFIQAD, hiện cơ quan này đang kiểm tra 587 DN thì: 175 DN có khoảng cách đến Trung tâm vùng là 50 km; 207 DN có khoảng cách 100 km, 155 DN có khoảng cách 150 km, 38 DN có khoảng cách 200km, 10 DN có khoảng cách 250km, 2 DN có khoảng cách 400 km. Như vậy, mức chi phí trên đã cân đối và tính rất sát với các chi phi chi phí thực tế để cơ quan thực hiện hoạt động.

Nhưng, đứng trên góc độ DN là đối tượng tuân thủ và chịu tác động của Luật Phí và lệ phí, các DN cho rằng, số lô hàng thẩm tra theo TT48/2013 chỉ chiếm dưới 10% trên tổng số lô hàng mà DN cần/đề nghị được kiểm tra cấp giấy. Số hơn 90% số lô hàng khác là theo yêu cầu có chứng nhận của NAFIQAD từ khách hàng hoặc từ nước nhập khẩu. Tuy nhiên, toàn bộ phí thẩm định lấy mẫu kiểm tra các lô hàng dù theo yêu cầu của TT48 hay của khách hàng thì đều đang tính theo đơn giá 350.000 đồng/lô quy định tại TT 286 kể trên.

Như vậy, với DN – người chịu tác động trực tiếp của Luật Phí & Lệ phí, thấy rõ rằng mức phí thẩm định này là khoản phí hoàn toàn mới mà DN đang phải trả thêm từ 1/1/2017 theo TT286 không chỉ cao, mà còn chưa phù hợp với nguyên tắc “thu bù đắp chi phí thực tế”. Vì việc tính toán ra mức phí này thì dựa vào số lô hàng phải kiểm “theo TT 48/2013” chỉ chiếm số lượng ít hơn, nhưng lại áp dụng cho toàn bộ các lô hàng khác chiếm tỷ trọng đa số. Đặc biệt, theo lý giải của các DN, thì ngay trong TT 286, khoản mục này cũng đã được quy định rõ là “phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu” chứ không phải là chỉ riêng theo yêu cầu của “quy định Việt Nam”, nên việc tính toán để trình cho mức phí này chỉ dựa trên “quy định Việt Nam tại TT 48/2013” là chưa sát với yêu cầu và cả thực tế.

Các DN thủy sản luôn khẳng định sự tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Phí và Lệ phí, nhưng trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh khắc nghiệt với các nước XK thủy sản, giá thành sản xuất tăng cao, cũng tha thiết kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì rà soát và xem xét lại để điều chỉnh giảm mức phí này xuống mức phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin cho DN theo tinh thần của Chính phủ tại các Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM