(vasep.com.vn) Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 3 năm qua sang thị trường Hàn Quốc, tôm là sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao nhất, trung bình từ 15 - 40 triệu USD/tháng. Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ và Nhật Bản).
Tính đến ngày 15/3/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc đạt 53,6 triệu USD, chiếm 10,8% tổng giá trị XK tôm, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, sản phẩm tôm chân trắng chiếm tới gần 85% tổng giá trị XK tôm sang thị trường Hàn Quốc.
Ba tháng đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn tiếp tục ưu tiên đặt hàng tôm chân trắng từ Việt Nam với những sản phẩm nổi bật như: Tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi, đông lạnh, tôm chân trắng sushi xẻ bướm tươi, đông lạnh, tôm chân trắng nhúng PD đông lạnh. Ngoài ra, thị trường này cũng NK tôm sú PTO xẻ bướm tươi, đông lạnh và tôm sắt PD đông lạnh từ Việt Nam.
Vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống lớn của các DN xuất khẩu tôm Việt Nam, năm 2020 vừa qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá xuất khẩu tôm trung bình sang Hàn Quốc cũng giảm nhẹ.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, có gần 30 DN chế biến tôm tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc, trong đó, Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) là DN có giá trị XK lớn nhất sang thị trường này. Tiếp đó là các DN như: MINH PHU HAU GIANG (Hậu Giang); Công ty CP Thủy sản Minh Hải (SEA MINH HAI - Bạc Liêu); Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản và XNK Ngọc Trinh Bạc Liêu và Công ty CP Hải Việt (HAVICO - Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo thống kê mới nhất của ITC, hai tháng đầu năm nay, Hàn Quốc cũng NK tôm từ hơn 100 thị trường, trong đó Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm hàng đầu của Hàn Quốc. Ngoài ra, một số nguồn cung tôm lớn khác cũng đang tập trung XK tôm sang thị trường Hàn Quốc như: Thái Lan, Ecuador, Argentina, Trung Quốc, Malaysia…
Năm 2020, các nhà NK thủy sản của Hàn Quốc cũng gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid. Cho tới nay, do lơ là, chủ quan với dịch bệnh, làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 đã quay trở lại nước này trong tháng 3-4/2021. Hiện nay, các cơ quan chức năng nước này đã tăng cường giám sát tại những nơi có khả năng lây nhiễm cao như nhà hàng, quán cà phê, cơ sở xông hơi và trung tâm chăm sóc trẻ em. Giới chức y tế cảnh báo có thể siết chặt các quy định tại những nơi đông người và các hoạt động của doanh nghiệp nếu xu hướng này tiếp diễn. Do đó, trong thời gian tới, có thể hoạt động kinh doanh của các DN thủy sản Hàn Quốc cũng tránh khỏi ảnh hưởng, doanh số bán nhiều khả năng giảm.
Cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc năm 2020
STT
|
Quy cách sản phẩm
|
Năm 2020 (USD)
|
Tỷ lệ GT (%)
|
Tăng giảm so với 2019 (%)
|
1
|
Tôm chân trắng
|
295.592.282
|
84,8
|
4,5
|
Trong đó: - Tôm chân trắng chế biến (thuộc mã HS16)
|
86.808.815
|
|
-5,4
|
- Tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03)
|
208.783.467
|
|
9,2
|
2
|
Tôm sú
|
14.578.289
|
4,2
|
1,2
|
Trong đó: - Tôm sú chế biến khác (thuộc mã HS16)
|
8.805.685
|
|
30,6
|
- Tôm sú sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03)
|
5.772.604
|
|
-24,7
|
3
|
Tôm biển khác
|
38.556.656
|
11,1
|
-4,0
|
Trong đó: - Tôm loại khác chế biến khác (thuộc mã HS16)
|
25.945.616
|
|
9,2
|
- Tôm loại khác khô (thuộc mã HS03)
|
7.146.916
|
|
21,8
|
- Tôm loại khác sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03)
|
5.464.123
|
|
-48,2
|
Tổng XK tôm (1+2+3)
|
348.727.227
|
100,0
|
3,3
|
(Lưu ý: Khi sử dụng lại thông tin từ bài viết, đề nghị ghi rõ "Nguồn: VASEP" và kèm đường link bài viết gốc)