(vasep.com.vn) Khula, vùng nuôi tôm chính của Bangladesh, đã xuất khẩu 19.900 tấn tôm trong năm tài chính 2022-2023, kết thúc vào tháng 3. Con số này giảm so với 24.100 tấn của năm trước và giảm so với mức kỷ lục 39.706 tấn trong năm 2016-2017.
Sản lượng tôm giảm được xác định do nhiều yếu tố như nguồn nước lợ giảm, virus tấn công, người nông dân không sẵn sàng áp dụng các phương pháp hiện đại, chất lượng giống và hạn hán. Lượng mưa thấp bất thường và nhiệt độ nóng hơn mức trung bình đã dẫn đến tỷ lệ tôm chết tăng đột biến trên khắp các trang trại nuôi tôm trên cả nước, một phần do tỷ lệ bùng phát dịch bệnh cao hơn. Việc nuôi tôm thua lỗ làm nhiều người nuôi trong khu vực bỏ nuôi tôm.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm đông lạnh Bangladesh, xuất khẩu tôm của Bangladesh đạt trung bình trên 30.000 tấn trong giai đoạn 2016-2020, nhưng đến giữa năm tài chính hiện tại, Bangladesh chỉ sản xuất được 13.592 tấn tôm. Cả nước có tổng cộng 38.892 trang trại nuôi tôm nhưng tỷ lệ sản xuất đã giảm xuống còn 300 đến 400 kg/ha, tỷ lệ sản xuất thấp nhất trong số tất cả các quốc gia sản xuất tôm lớn trên toàn cầu.
Giá thức ăn chăn nuôi cao hơn cũng làm giảm tỷ suất lợi nhuận giảm. Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu giảm cũng làm giá tôm Bangladesh giảm 24% trong năm tài chính hiện tại. Do chiến tranh, Ukraine và Nga, những khách hàng mua tôm lớn của Bangladesh đã cắt giảm nhập khẩu.
Trong năm tài chính vừa qua, tổng xuất khẩu thuỷ sản của Bangladesh đạt 422,3 triệu USD (391,8 triệu EUR). Xuất khẩu tôm đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu thuỷ sản của Bangladesh, với giá trị XK 300,3 triệu USD (278,6 triệu EUR).
Để cải thiện tình hình, năm 2021, Chính phủ Bangladesh đã phê duyệt mở rộng dự án thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm đông lạnh Bangladesh cũng đã kêu gọi sự trợ giúp của chính phủ nhằm mở rộng năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần tăng thu nhập cho ngành.
Thùy Linh