(vasep.com.vn) Trong tháng 3/2022, Mỹ nhập khẩu 76.626 tấn tôm, trị giá trên 729 triệu USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 39% về giá trị so với tháng 3/2021.
Giá trung bình NK tôm vào Mỹ trong tháng 3/2022 đạt 9,52 USD/kg, so với 8,36 USD/kg của tháng 3/2021.
Trước đó, Mỹ NK 896.109 tấn tôm, trị giá 8 tỷ USD vào năm 2021, tăng 20% về lượng và 24% về giá trị so với năm 2020. Giá NK trung bình trong năm 2021 là 8,94 USD/kg, tăng 4% so với năm 2020.
Ecuador, nước xuất khẩu tôm lớn thứ ba sang Mỹ trong tháng 3/2022, đã XK 1,6 tỷ USD các sản phẩm tôm trong quý đầu năm 2022, chủ yếu nhờ xuất một số lô hàng khổng lồ đến Trung Quốc.
Việt Nam, nước xuất khẩu tôm lớn thứ tư sang Mỹ trong tháng 3, và Ấn Độ, dẫn đầu trong các nhà cung cấp tôm cho Mỹ, cũng có kết quả hoạt động mạnh mẽ trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, trong tháng 3/2022, bốn trong số 5 nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ ghi nhận giá tôm giảm so với tháng 2. Ấn Độ giá giảm 0,05 USD/kg xuống 9,54 USD/kg; đứng thứ hai là Indonesia giảm 0,15 USD/kg xuống 9,57 USD/kg; Việt Nam, giảm 0,14 USD/kg xuống 10,98 USD/kg; và vị trí thứ năm là Thái Lan giảm 0,56 USD/kg xuống 11,12 USD/kg, mức giảm mạnh nhất.
Tháng 2/2022, giá trung bình NK tôm vào Mỹ đạt 9,59 USD/kg, tăng 1% so với mức 9,46 USD/kg của tháng 1/2022, cao hơn 0,07 USD/kg so với mức giá 9,52 USD/kg của tháng 3/2022.
Mức giá liên tiếp trong 3 tháng: 9,46 USD/kg vào tháng 1; 9,59 USD/kg vào tháng 2 và 9,52 USD/kg vào tháng 3, thể hiện xu hướng “cung tăng khi cầu giảm", ông Larkin, Chủ tịch của Seafood Exchange cho biết. Ông dự đoán rằng giá có thể sẽ tiếp tục giảm.
Trung Quốc đang thắt chặt phong tỏa do Covid-19, vì vậy rất nhiều các nhà sản xuất của Ecuador và các quốc gia khác đang làm mọi cách để xuất khẩu sản phẩm của họ sang Mỹ, ông Larkin cho biết.
“Tôi không nghĩ rằng giá có thể tăng trong vòng 3 tháng tới", ông Kevin Tang, Giám đốc điều hành của công ty Sunnyvale Seafood nhận định. Ông dự đoán có thể xảy ra tình trạng dư cung do thiếu kho lạnh, chiến sự ở Ukraine làm ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển tôm.
Những tháng trước đó, thị trường Mỹ NK nhiều tôm và thị trường chưa thể nhanh chóng tiêu thụ hết nên dễ dẫn tới tình trạng tồn kho cao.
Vào tháng 3, Cựu giám đốc điều hành của Sunnyvale, ông Jeff Sedacca cũng dự đoán rằng thị trường sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa trong vài tháng tới. Giá tôm sẽ không tăng. Điều này là do nhu cầu tôm cao từ nhiều tháng trước đã khiến các nhà cung cấp tràn vào thị trường, và phần lớn sản phẩm của họ vẫn nằm ngoài biển do tắc nghẽn vận chuyển bởi dịch.
Ấn Độ đứng đầu trong top nguồn cung tôm của Mỹ
Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ vào tháng 3/2022, với 23.720 tấn, trị giá trên 226 triệu USD, chiếm thị phần 31,02% trong tổng NK tôm của Mỹ trong tháng 3.
Tuy nhiên, vị trí đứng đầu của Ấn Độ có thể sớm bị đe dọa bởi sự bùng phát của dịch bệnh trên tôm như bệnh đốm trắng.
Durai Murugan, Chủ sở hữu Sea Gem Aqua Farms, cho biết, giá đã giảm xuống mức tương đối thấp. Dù nhu cầu trên thị trường là rất lớn, tuy nhiên, bệnh đốm trắng nghiêm trọng ở Andhra Pradesh và Tamil Nadu đã gây ra sự giảm giá tạm thời.
Ngành tôm Ấn Độ đã có một năm 2021 hoạt động hiệu quả. Ấn Độ đã xuất khẩu tôm đông lạnh trị giá 5,72 tỷ USD trong 12 tháng tính đến ngày 31/12, tăng 34% so với năm 2020 và phá vỡ kỷ lục trước đó là 4,95 tỷ USD trong năm 2017.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang đối mặt với thách thức từ Ecuador về tôm thẻ chân trắng. Ông Jagdish Fofandi, chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), cho biết Ecuador có lẽ là nhà sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất hiện nay và Ấn Độ hiện đang phải đấu tranh để giữ lại thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu truyền thống chính của nước này.
Indonesia đứng ở vị trí thứ 2; Ecuador xuống vị trí thứ 3
Với 20.065 tấn tôm XK sang Mỹ trong tháng 3/2022, Indonesia đã vượt qua Ecuador trở thành nhà cung cấp tôm lớn thứ hai của Mỹ. Xuất khẩu tôm Indonesia sang Mỹ đạt giá trị 192 triệu USD, tương đương 9,57 USD/kg, chiếm khoảng 26,32% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng.
Indonesia XK 16.073 tấn tôm, trị giá 138 triệu USD trong tháng 3/2021 và 14.176 tấn, trị giá 138 triệu USD trong tháng 2/2022.
Indonesia có thể vươn lên vị trí dẫn dầu, không chỉ bởi vì tôm Ấn Độ đang gặp phải các vấn đề mà còn bởi vì Indonesia có thể cạnh tranh được với tôm Ecuador.
Những người nuôi tôm của Ecuador cần tìm thị trường để thay thế cho các thị trường đã mất ở Trung Quốc. Trung Quốc đã áp đặt các lệnh cấm tạm thời đối với nhập khẩu tôm từ một số công ty của Ecuador vào tháng 3, do phát hiện coronavirus trên các mẫu lấy từ bao bì tôm nhập khẩu từ nước này.
Các thương nhân Ecuador đang tìm cách thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường tôm châu Âu.
Ecuador đã xuất khẩu 18.478 tấn trị giá 145 triệu USD vào tháng 3/2022, chiếm 24,12% tổng khối lượng tôm NK của Mỹ và chiếm 19,9% tổng giá trị NK tôm của Mỹ.
Tuy nhiên, những người nuôi tôm ở Ecuador đang lo lắng về hoạt động kinh doanh của họ khi chi phí sản xuất bị đẩy lên cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine, và Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất trong nhiều tháng.
Không kỳ vọng thị trường tôm sẽ phục hồi
Ông Tang cho biết ông không kỳ vọng thị trường tôm sẽ tăng giá trở lại cho đến khoảng tháng 9, có thể sớm nhất vào tháng 8. Bởi vào thời điểm đó, các nhà bán lẻ sẽ đặt hàng cho kỳ nghỉ lễ.
Phương Linh