Doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong năm 2021 đang có thêm nhiều lực đẩy mới từ các FTA và việc Mỹ hủy bỏ áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam.
Xuất khẩu được giá
Năm 2020 là năm thành công của ngành tôm, khi vượt qua nhiều thời điểm thăng trầm, xuất khẩu tôm đã cán đích 411.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, tăng 6,72% về lượng và 11,07% về trị giá so với năm 2019.
Mức tăng trưởng này sẽ không có gì đáng nói, nhưng trải qua một năm nhiều ngành hàng chao đảo vì Covid-19 thì kết quả mà ngành tôm đạt được là rất đáng kể.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Năm 2020 là năm thành công đối với ngành tôm khi đã tận dụng tốt lợi thế từ FTA song phương và đa phương ở những thị trường lớn để duy trì và tăng thị phần trong bối cảnh nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu tôm thế giới chịu tác động lớn từ Covid-19”.
Năm qua, Covid-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới có sự thay đổi lớn. Các sản phẩm tôm cỡ nhỏ và trung bình, dạng đông lạnh, đóng hộp, tiện dụng tăng, trong khi nhu cầu tôm tươi sống phục vụ ở những nhà hàng quán ăn giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, con tôm Việt Nam vẫn thẳng tiến tới các thị trường Mỹ, EU, Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thụy Sỹ, với giá trị bật tăng so với năm 2019. Riêng xuất sang Mỹ đạt 81.400 tấn, trị giá 866,6 triệu USD, tăng 29,41% về lượng và tăng 32,88% về trị giá.
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU đã tăng trở lại sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.
Mục tiêu 4,5 tỷ USD không quá xa
Những ngày đầu năm 2021, ngành tôm đón thêm thông tin tốt lành khi Mỹ ra thông báo hủy quyết định áp thuế tôm xuất khẩu của “ông lớn” Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Quyết định ngày 11/2/2021 cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống bán phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống bán phá giá nào khác.
Dù thương mại thủy sản chưa thoát khỏi ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành tôm được dự báo tiếp tục phát triển nhờ cú hích FTA, đặc biệt với kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020. |
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú cho biết, doanh nghiệp còn được hoàn lại các khoản thuế chống bán phá giá đã tạm nộp trước đó.
Minh Phú đã xuất khẩu được 55.000 tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD năm 2020. Mục tiêu năm 2021 là 71.000 tấn tôm chế biến, kim ngạch 790 triệu USD.
Bà Kim Thu, chuyên gia thuộc VASEP đánh giá, ngành tôm có thể tranh thủ khi đang có lợi thế hơn các đối thủ nhờ Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Các quốc gia nhập khẩu cũng thường ưu tiên chọn mua tôm từ Việt Nam.
Ngoài ra, những FTA với nhiều thị trường lớn đã vào đường ray thực thi, đang được các doanh nghiệp tận dụng triệt để cũng rộng đường cho tôm xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 14 FTA đã có hiệu lực, FTA mới nhất là UKVFTA với Vương quốc Anh. Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ tận dụng ưu đãi từ các FTA, đặc biệt là EVFTA.
Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhờ EVFTA, ngành tôm có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác, trong đó lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.
Công ty TNHH Thông Thuận (Thông Thuận Sea Food) cho biết, EU chiếm 45% cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của doanh nghiệp, Thông Thuận đã chớp thời cơ xuất khẩu tôm sang EU để hưởng thuế 0% theo EVFTA ngay sau 1 tháng FTA này có hiệu lực.
Để khai thác thị trường này, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của EU và nhiều thị trường khó tính khác.
Năm 2020, ước tính doanh thu xuất khẩu tôm của Thông Thuận sang EU đạt trên 45 triệu USD. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU sẽ vượt xa kết quả năm trước.
Dù thương mại thủy sản chưa thoát khỏi ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành tôm được dự báo tiếp tục phát triển nhờ cú hích FTA, đặc biệt với kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020.
Những thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan và sự chủ động chuyển mình của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tôm được kỳ vọng đưa ngành tôm cán đích mục tiêu xuất khẩu 4,4-4,5 tỷ USD trong năm 2021. Quy mô thị trường tôm toàn cầu dự báo sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), là cú hích cho tôm Việt tăng trưởng xuất khẩu.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)