Nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc

Qua 3 lần thực hiện, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng từ Dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ semi-biofloc” của hộ anh Ngô Văn Thắng, ấp Cái Nước, xã Phú Tân, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), đều thành công cả sản lượng và giá.

Tháng 9/2019, anh Ngô Văn Thắng là 1 trong 2 hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh từ Dự án “Nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ semi-biofloc tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân”.

Qua hơn 4 tháng, từ khâu chuẩn bị đến khâu nuôi và thu hoạch vụ đầu tiên trên diện tích 3 ha (1 ao dèo, 2 ao nuôi, 2 ao lắng, 1 ao xả thải), anh Thắng thu 15,5 tấn tôm loại 30 con/kg, lợi nhuận thu về trên 1,2 tỷ đồng.

Nuôi tôm theo công nghệ semibiofloc
Mô hình nuôi tôm của anh Thắng được duy trì và thành công cả 3 vụ nuôi. Vụ thứ 4 tôm đang đạt kích cỡ 48 con/kg.

Nhận thấy mô hình không những mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn phù hợp với điều kiện chăm sóc, quản lý của mình nên đến nay, anh Thắng đã duy trì mô hình, bám sát quy trình kỹ thuật, tiếp tục thu hoạch thêm 2 vụ nuôi và đều thành công ngoài mong đợi.

Anh Thắng cho biết: “Qua 3 vụ, tôi nhận thấy công nghệ semi-biofloc được áp dụng cho 3 giai đoạn nuôi, giúp tôm phát triển nhanh, có sức đề kháng tốt, nên đến giai đoạn thu hoạch, tôm luôn đạt đầu con”.

Trong quá trình nuôi, anh Thắng tuân thủ quy trình kỹ thuật: thiết kế hạ tầng ao nuôi, từ ao lắng, ao dèo, ao nuôi và ao chứa chất thải. Xử lý môi trường ao nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, duy trì floc trong suốt quá trình nuôi; kiểm soát chặt chẽ thức ăn theo từng giai đoạn, nhất là giai đoạn dèo tôm đảm bảo được mật độ của floc (những tế bào vi khuẩn có lợi kết dính tạo thành khối lơ lửng trong môi trường nước), thức ăn để đảm bảo tăng cường sức đề kháng và đạt tỷ lệ đầu con cao nhất cho tôm trước khi chuyển sang giai đoạn 2 (ao nuôi).

Theo đó, ngoài yếu tố kỹ thuật, quy trình nuôi hiệu quả, hạ tầng, thiết kế diện tích các ao nuôi, lắng, dèo và xả thải chặt chẽ. Những yếu tố trên đã hỗ trợ cho mô hình của anh Thắng thành công ngoài mong đợi.

Anh Ngô Văn Thắng cho biết: “Nhờ hệ thống công trình ao nuôi tốt, cùng với nuôi ở ao dèo chỉ 30 ngày, ao nuôi giai đoạn 2 chỉ 30 ngày và ao nuôi giai đoạn 3 chỉ 30 ngày, nên môi trường ao nuôi luôn sạch khi áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật của dự án đưa ra, từ đó tôm mau lớn, đạt đầu con”.

Với vụ nuôi thứ 2, anh Thắng thu hoạch tôm đạt kích cỡ 50 con/kg, sản lượng 9 tấn, trừ chi phí lãi trên 700 triệu đồng. Và vụ này, gần 90 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 32 con/kg, tổng thu 10,2 tấn, trừ chi phí anh Thắng lãi gần 800 triệu đồng.

Anh Ngô Văn Thắng phấn khởi khi thu hoạch tôm vụ nuôi thứ 3 lãi trên 700 triệu đồng từ Dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ semi-biofloc”.

Kỹ sư Ngô Văn Lương, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, cho biết: “Chính việc kiểm soát tốt mật độ tôm trong ao nuôi, kiểm soát tốt thức ăn trong quá trình cho ăn cùng với việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, thay nước và cấp nước đúng, đủ, nên không những quản lý tốt môi trường ao nuôi, tôm mau lớn mà còn mang tính thích ứng, chống chịu tốt với sự thay đổi cũng như ảnh hưởng của thời tiết”.

Vụ nuôi thứ 4 cũng đang cho tỷ lệ thành công cao, với kích cỡ 56 con, chuyển từ ao dèo sang ao nuôi chỉ 9 ngày tôm đã đạt kích cỡ 48 con/kg. Với giá tôm đang tăng cao như hiện nay, hứa hẹn vụ nuôi này anh Thắng sẽ lãi cao hơn so với các vụ nuôi trước đây.

Theo Kỹ sư Ngô Văn Lương, từ khi mô hình của anh Thắng thực hiện thành công vụ đầu tiên, người dân nuôi tôm theo loại hình này trong ấp, các xã và các huyện bạn đến tham quan, tìm hiểu kỹ thuật để về áp dụng cho ao nuôi. Qua tìm hiểu, có khoảng 70% nông dân áp dụng quy trình này thành công.

(Theo báo Cà Mau)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục