Tôm hút hàng, tăng giá mạnh, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó vì chi phí vật tư sản xuất, cước phí vận chuyển tăng cao bất bình thường.
Nguồn cung tôm giảm
Bước qua đầu năm mới 2021, nhất là sau thời gian nghỉ tết công nhân các nhà máy chế biến thủy sản trở lại làm việc, ở ĐBSCL tôm sú và tôm thẻ (chân trắng) nguyên liệu tăng giá mạnh. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đóng tại khu vực các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau đang thiếu nguyên liệu.
Hiện nay ở ĐBSCL đa số tôm các cỡ (size) đều tăng giá. Cao đỉnh điểm tôm thẻ cở 20 con/kg, giá 215.000 đ/kg. Tôm cỡ 100 con/kg giá 104.000 đ/kg, so với cả năm 2020 tôm size nầy giá chưa tới mức 85.000 đ/kg. Tôm cỡ 80 con/kg, giá 108.000 đ/kg, so với năm 2020 giá cao nhất 90.000 đ/kg. Hút hàng mạnh nhất về các nhà máy chế biến là cỡ tôm 40 con/kg, giá 150.000 đ/kg. Đây là mức giá tôm cao so với nhiều năm gần đây.
Theo dân thương lái và các đại lý thu mua tôm nguyên liệu, hiện nay phần lớn diện tích vùng nuôi tôm trong thời gian chuẩn bị vệ sinh ao nuôi bắt đầu vào vụ tôm mới. Người nuôi tôm đã hết tôm bán.
Tuy nhiên, các DN thu mua chế biến tôm xuất khẩu trong vùng nhận định thị trường: Tôm nguyên liệu tăng giá do mới vào đầu vụ nuôi là chuyện bình thường theo quy luật cung cầu, không phải do diễn biến tăng cung của thế giới. Thị trường nhập khẩu tôm từ Trung Quốc và các nước EU hay tiêu thụ nội địa trong tháng trước tết vừa qua đều giảm, không tăng. Nguyên nhân chính là do lượng tôm nuôi thu hoạch vào thời điểm này đưa về nhà máy quá ít. Hiện nay chưa là thời điểm biến động lớn về cung lẫn cầu, thậm chí cán cân cung-cầu tôm thế giới ở trạng thái trầm lắng.
Một số doanh nghiệp và chủ trang tại nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cho biết thêm, tuy với ưu thế nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới kiểm soát môi trường tốt, hạn chế được rủi ro dịch bệnh và gia tăng năng suất, sản lượng…có thể nuôi quanh năm nhưng vào thời điểm nầy sản lượng tôm thu hoạch ít. Phần nhiều ao nuôi đang vệ sinh, xử lý nước để bắt tay vào vụ mới. Nuôi tôm đúng theo thời vụ mùa thuận mới đạt năng suất sản lượng cao hơn.
Chế biến xuất khẩu gặp khó
Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phân tích: Trong năm qua nhiều doanh nghiệp xuất tôm nhiều vào những tháng cuối năm đã đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm lên cao. Đến khi bước qua những tháng đầu năm mới nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh. Trong khi vụ tôm mới bắt đầu nên tạm thời thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu. Tình hình nầy sẽ khó khăn đối với một số doanh nghiệp không có tôm chế biến dự trữ để cung ứng theo hợp đồng.
Vừa thiếu nguồn tôm nguyên liệu cung ứng cho hoạt động nhà máy, tình hình chung hiện nay của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, nhất là xuất khẩu tôm đi thị trường các nước EU còn than phiền tình trạng xuất khẩu hàng thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Giá cước vận tải hàng container, nhất là cước tàu đi EU cao quá bất bình thường, tăng gấp 3-4 lần. Mức bình thường 1800 USD/CTN nay tăng lên 7800 USD/CTN nên chẳng những lấy đi tiền lãi lô hàng mà còn gây lỗ cho những lô hàng hiệu quả trung bình. Mới đây vừa có một số hãng tàu vận tải thông báo giảm chi phí nhưng lại thiếu CTN rỗng. Trong khi cước tàu vận tải hàng xuất đi các nước EU lại báo tăng tiếp tục thêm 200-300 USD/CTN.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), cho biết: Từ cuối tháng 11/2020 chi phí sản xuất như bao bì, vật tư chế biến mặt hàng tôm xuất khẩu tăng 10-15%. Mới đây thời điểm vào đầu tháng 3/2021 các nhà cung cấp thông báo giá tăng lên thêm 10%. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng.
Các DN tôm đang giai đoạn khó khăn đáng kể và chỉ trông chờ chuỗi logistics thế giới sớm trở lại bình thường.
+ Theo dự báo thường niên nhu cầu tôm thế giới năm 2021 vẫn có mức tăng trưởng khoảng 5%/năm. Giá tôm thị trường thế giới sẽ giữ mức cao. Đặc biệt trong tình hình các nước đã có vaccine ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 cùng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được doanh nghiệp tận dụng tốt sẽ tạo động lực xuất khẩu tôm năm 2021 .
+ Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất khi tăng 15%, đạt 4,4 tỉ USD.
|
(Theo NNVN)