ĐBSCL: Đổi đời từ mô hình con tôm ôm cây lúa

Nhiều làng quê tại các tỉnh ven biển ĐBSCL thật sự đổi đời từ mô hình canh tác lúa – tôm. Đặc biệt năm 2021 này, nhiều hộ dân thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm thắng lợi cả hai mặt giá cả và năng suất. Niềm vui hiện lên khuôn mặt của nhiều nông dân ven biển vùng ĐBSCL trước thềm năm mới Tết Tân Sửu 2021.
ĐBSCL Đổi đời từ mô hình con tôm ôm cây lúa
Thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu

Thắng lợi của lúa thơm, tôm sạch

Ông Trần Văn Thống, xã Tân Phong, Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu lần đầu tiên thử nghiệm sản xuất lúa thơm ST24 trên diện tích 2ha đất nuôi tôm của mình không dấu được niềm vui: “Không ngờ lúa trúng đậm quá, tính ra đến 7 tấn/ha. Thương lái vào tận nơi thu mua với giá 7.500 đồng/kg. Thu hoạch lúa xong, tôi đang cải tạo ao ruộng để chuẩn vị xuống giống vụ tôm năm 2021 vì độ mặn của nước cũng đã ngấp nghé 7 phần ngàn rồi”.

GS Võ Tòng Xuân (bìa trái) cùng AHLĐ Hồ Quang Cua (bìa phải) tại hội nghị phát triển mô hình lúa tôm ĐBSCL được tổ chức tại Bạc Liêu.(ảnh Nhật Hồ)
GS Võ Tòng Xuân (bìa trái) cùng AHLĐ Hồ Quang Cua (bìa phải) tại hội nghị phát triển mô hình lúa tôm ĐBSCL được tổ chức tại Bạc Liêu

Năm 2020, Bạc Liêu sản xuất trên 2.700 lúa thơm dòng ST trên đất nuôi tôm. Năng suất và giá bán đều đạt yêu cầu.

Ông Phạm Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Ngành nông nghiệp đang xây dựng mô hình lúa thơm tôm sạch trên toàn bộ diện tích gần 58.000ha của mô hình lúa tôm của tỉnh. Cây lúa thơm có năng suất chất lượng; con tôm cũng được nuôi theo mô hình sinh thái nên chất lượng được đảm bảo”.

Trúng đậm cây lúa thơm trên đất lúa tôm tại Bạc Liêu (ảnh Phan Thanh Cường)
Trúng đậm cây lúa thơm trên đất lúa tôm tại Bạc Liêu

Tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, người dân đưa con tôm thả xen với cây lúa để nâng lên thành 2 vụ tôm 1 vụ lúa trên đất lúa tôm. Với mô hình này, lợi nhuận thu được trung bình từ 70 đến 100 triệu đồng/ha/năm.

Hướng đến sản xuất sạch

Tại ĐBSCL, năm 2000, diện tích lúa tôm đạt khoảng 71.000ha, đến năm 2015 đạt hơn 176.600ha. Đến năm 2020, diện tích nuôi lúa - tôm ước đạt hơn 211.900ha, sản lượng ước đạt hơn 84.700 tấn; trong đó nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 100.000ha, Cà Mau hơn 38.000ha, Bạc Liêu hơn 57.800ha, Sóc Trăng khoảng 9.700ha.

Thu hoạch tôm càng xanh toàn đực tại Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)
Thu hoạch tôm càng xanh tại Bạc Liêu

Tại hội nghị phát triển bền vững mô hình tôm – lúa ĐBSCL được tổ chức tại Bạc Liêu, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng, các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.

Cùng với quá trình biến đổi khí hậu gia tăng, mô hình sản xuất tôm lúa phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn, đây được nhận diện là mô hình thuỷ sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác.

Thu hoạch tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa tôm tại Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)
Thu hoạch tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa tôm tại Bạc Liêu

Nhận diện mô hình canh tác bền vững này, các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau từng bước xây dựng sản phẩm sạch cho cả hai đối tượng cây lúa và con tôm. Sản phẩm gạo ST24, ST25 là minh chứng cho mô hình lúa thơm trên đất nuôi tôm và thương hiệu tôm sạch đang được tỉnh Bạc Liêu hướng tới phục vụ cho xuất khẩu tôm nguyên con thay vì sơ chế như hiện nay.

(Theo báo  Lao Động)

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục