(vasep.com.vn) 8 tháng đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu hải sản của Nga thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị xuất khẩu giảm thêm 13%.
Các quan chức chính phủ chỉ ra rằng việc tăng xuất khẩu các sản phẩm hải sản chế biến vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu hải sản của Nga lên 7,8 tỷ đô la/năm vào năm 2030, tỷ trọng các sản phẩm chế biến phải tăng 10%.
Andrei Yakovlev, phó giám đốc cơ quan thủy sản Nga Rosrybolovstvo đề xuất miễn thuế xuất khẩu cá minh thái và surimi của Nga.
Về vấn đề tiếp cận thị trường, Nga hiện có thể xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang hơn 70 quốc gia. Sau năm 2022, các nhà xuất khẩu Nga đã tiếp cận 9 thị trường mới, các thủ tục tiếp cận thị trường thủy sản hiện đang được hoàn thiện với Ấn Độ, Pakistan và Nam Phi.
Trong khi đó, Nga "thiếu đối thoại" với các cơ quan quản lý của EU. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ thảo luận thêm về các lệnh trừng phạt đối với hàng nhập khẩu hải sản của Nga khi họp vào mùa thu năm nay.
EU đã loại hải sản Nga khỏi chương trình hạn ngạch thuế quan tự chủ (ATQ) vào đầu năm 2024, vốn cho phép một lượng nguyên liệu thô nhất định để chế biến được nhập vào khối với mức thuế 0%.
Một số DN đã thúc giục chính phủ Nga hỗ trợ xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu của Nga kém cạnh tranh hơn ở Trung Quốc vì các sản phẩm hải sản của họ phải chịu thuế nhập khẩu ở mức 5-10%, do vậy nên đàm phán song phương với Trung Quốc nhằm đảm bảo tiếp cận thị trường ưu đãi cho xuất khẩu hải sản của Nga.
Giá xuất khẩu phi lê cá minh thái của Nga tăng nhanh hơn so với các sản phẩm tương tự được sản xuất ở nơi khác. Vào tháng 6, giá xuất khẩu phi lê cá minh thái của Nga đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất chỉ giảm 25%, ông cho biết.
Trong khi đó, chi phí của ngành thủy sản Nga đã tăng nhanh hơn doanh thu, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận. Xu hướng tiêu cực này là do sự biến động giá cả đã ảnh hưởng đến các thị trường cá minh thái chính.
Ở một diễn biến khác, đại diện chính phủ đã đề cập đến những nỗ lực liên tục nhằm thay thế nhập khẩu để ngành nuôi trồng thủy sản của đất nước tự chủ hơn.
Tại diễn đàn, các quan chức Nga đã cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm thay thế nhập khẩu trong sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản trong nước. Đến năm 2030, thức ăn nuôi trồng thủy sản sản xuất trong nước sẽ đủ cung cấp 90% nhu cầu từ các doanh nghiệp nuôi cá hồi và cá tầm địa phương.
Chính quyền Nga đã nhiều lần cam kết khuyến khích thay thế nhập khẩu để phát triển sản xuất thức ăn thủy sản địa phương trong nước. Với sự hậu thuẫn của chính phủ, các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản mới hiện đang được xây dựng tại 15 vùng của đất nước.
Theo Rosrybolovstvo, đến năm 2030, sản lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản trong nước của Nga dành cho các loài cá hồi dự kiến đạt 250.000 tấn mỗi năm, đủ để thay thế hàng nhập khẩu và duy trì khả năng tự cung tự cấp.
Theo UNC