Trung Quốc: Nhu cầu thủy sản vượt xa nguồn cung

(vasep.com.vn) Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt, tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý 2/2021 chậm lại do đầu tư nhà nước chậm hơn và tăng trưởng tiêu dùng yếu hơn. Xuất khẩu của Trung Quốc trong quý 2/2021 tăng 20%, nhưng giá dầu và các mặt hàng nhập khẩu khác cao hơn đang làm xói mòn cán cân thương mại mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trung Quốc  Nhu cầu thủy sản vượt xa nguồn cung

Trong khi đó, giá thủy sản trên cả nước đang tăng vọt. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố, giá bán buôn thủy sản nước ngọt ở Trung Quốc đã tăng 20% trong nửa đầu năm 2021. Mức tăng giá cao hơn 13,1 điểm phần trăm so với mức tăng trong nửa đầu năm 2020 và đã cộng thêm 0,12 vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Chỉ số giá thủy sản chung đã tăng 17,2% trong 6 tháng đầu năm, do nguồn cung bị thắt chặt.

Giá thịt lợn Trung Quốc giảm mạnh, vốn tăng vọt vào năm ngoái, đã làm giảm tác động của giá thủy sản tăng vọt lên yếu tố thực phẩm của CPI, nhưng Richard (Ruiqing) Yao, chuyên gia thủy sảnTrung Quốc, cho biết, các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.

Trong khi thủy sản đang trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng như một lựa chọn lành mạnh, thì lại có một số yếu tố đang hạn chế sản xuất bao gồm các chính sách bảo vệ môi trường mới, sự gián đoạn do COVID, thời tiết khắc nghiệt ở các khu vực trọng điểm, và tình trạng thiếu lao động. Cùng với việc chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, những yếu tố này đã đẩy giá thủy sản tăng cao, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.

Tình hình giá cả tăng thêm do nhập khẩu giảm vì COVID và lệnh cấm đánh bắt cá trong 3 tháng ở Biển Bột Hải, Hoàng Hải và Biển Hoa Đông bắt đầu từ ngày 1/5. Hải quan Trung Quốc đã thiết lập một chế độ an toàn thực phẩm nghiêm ngặt để ngăn chặn COVID-19 xâm nhập vào nước này thông qua thực phẩm nhập khẩu, nhưng việc kiểm tra đã gây tắc nghẽn và cản trở NK thủy sản vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa cao ngất ngưởng, sự chậm trễ tại các cảng, khan hiếm container lạnh và thiếu tài xế xe tải, đang gây áp lực lên chi phí trên thị trường người bán. Do đó, ngay cả khi giá cao hơn do nhu cầu ngày càng tăng, nhưng các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng khó tìm được nguồn cung do nhu cầu ở các thị trường tiêu dùng khác cũng cao.

Theo Paul Farrah, người đứng đầu Dieppe, New Brunswick, nhà cung cấp thủy sản đông lạnh Partner Seafood có trụ sở tại Canada, nhu cầu ở Mỹ cao hơn đồng nghĩa với nguồn cung cấp ít hơn cho các khách hàng ở Trung Quốc - đặc biệt là tôm hùm, cua và tôm mũ ni. Mike Hutt, giám đốc điều hành của Virginia Marine Products Board, cơ quan điều phối thương mại thủy sản bang Virginia của Hoa Kỳ, cho biết người mua Trung Quốc ngày càng tìm kiếm cua xanh, thịt ốc xà cừ và hàu sống từ các nhà cung cấp của bang ông. Nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu đó, vì lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ nội địa của Hoa Kỳ đang bùng nổ cùng lúc các nhà chế biến thủy sản của bang đang gặp khó khăn về nhân sự. Hutt cho biết văn phòng của ông dự định tái hợp tác với các thị trường Trung Quốc vào năm 2022 bằng cách đi đến các hội chợ thương mại, nhưng có vẻ như ngành công nghiệp hiện đang bận rộn với các thị trường lân cận hơn.

Anthony Wan, người đứng đầu Gfresh, một nhà phân phối hàng nhập khẩu trực tuyến có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết mùa hè năm nay là một "mùa đặc biệt mạnh" về doanh số bán hàng cho nhà phân phối thủy sản trực tuyến Trung Quốc GFresh, nhưng nguồn cung khó khăn do việc kiểm tra chặt chẽ các cảng cá phía nam Trung Quốc.

Theo Wan, giá cá hồi đã phục hồi kể từ khi bùng phát COVID, hiện tại tăng lên mức trung bình là 12,00 USD (10 EUR) / kg từ mức thấp là 6,00 USD (5,04 EUR) / kg. Giá tôm Ecuador đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên mức trung bình 8,00 USD (6,72 EUR) / kg, và nguồn cung cua Dungeness thấp hơn đang khiến giá của loài này tăng lên đối với người mua Trung Quốc. Nhu cầu về tôm hùm sống rất mạnh, với giá tôm hùm Bắc Mỹ “luôn ở mức cao” - và điều đó có nghĩa là tôm hùm đông lạnh từ Úc hiện có thể vào Trung Quốc bằng đường hàng không, sau nhiều tháng tôm hùm Úc không xuất được khỏi nước này.

Tuy nhiên, các vấn đề về nguồn cung và những khó khăn về logistic, chẳng hạn như nút thắt cổ chai xảy ra gần đây ở tỉnh Quảng Đông khi các nhà lãnh đạo của tỉnh này ra lệnh ngừng nhận thủy sản nhập khẩu do các vấn đề về công suất xếp hàng, tiếp tục “sói mòn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu”, Wan nói.

Theo Hansen Lee, chủ tịch của Coland Holdings Co., một công ty có trụ sở tại Hồng Kông tham gia sản xuất và phân phối bột cá, thời kỳ tiêu thụ thủy sản cao điểm của Trung Quốc cũng diễn ra vào cuối năm nay, do điều kiện thời tiết xấu làm chậm trễ nguồn cung và thương mại dầu cá và thức ăn thủy sản. Lee cho biết nhu cầu về bột cá - phần lớn để cung cấp cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi - đã tăng lên ngay cả khi nguồn cung bị gián đoạn vì COVID. Do đó, giá đầu ra nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc cao hơn đồng thời nhu cầu đầu vào như thức ăn và thuốc tăng cao.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục