Trung Quốc: Giá cước vận tải giảm, nhưng phí hạ tầng cao ngất ngưởng

(vasep.com.vn) Các nguồn tin cho biết, các nhà xuất khẩu thủy sản Trung Quốc cảm thấy dễ chịu hơn khi chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu đã giảm xuống còn 5.000-7.000 USD/container kể từ tuần trước. Tuy nhiên, các chi phí khác như phí hạ tầng lại cao ngất ngưởng.
Trung Quốc Giá cước vận tải giảm nhưng phí hạ tầng cao ngất ngưởng
Trung Quốc: Giá cước vận tải giảm, nhưng phí hạ tầng cao ngất ngưởng

Andy Shen, Giám đốc tiếp thị của Ocean Treasure - một nhà xuất khẩu thủy sản có trụ sở tại Nam Thông - nói rằng, chi phí vận chuyển một container đến Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 5.000 USD vào tuần giữa tháng 3/2021. Trong khi chi phí vận chuyển đến châu Âu hiện ở mức 6.000-7.000 USD/container, so với mức 9.000-10.000 USD ngay sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, giá cước giảm không bao gồm các container đến Anh do việc đóng cửa và thiếu container, Shen giải thích.

Một giám đốc điều hành của một nhà chế biến thủy sản ở Thanh Đảo cho biết chi phí vận chuyển đến châu Âu và Mỹ gần đây đã giảm xuống khoảng 5.000-6.000 USD/container.

Ngành thủy sản Trung Quốc cũng hy vọng hoạt động của cảng dần tốt hơn và một số hạn chế về coronavirus được giảm bớt.

Shen cho biết hoạt động đã được cải thiện tại các cảng lớn, chẳng hạn như Trạm Giang, Thanh Đảo và Đại Liên, thủ tục hải quan được đẩy nhanh hơn. Thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu đã được rút ngắn từ khoảng 3 tuần xuống còn 10 ngày tại cảng Đại Liên.

Cảng đã thiết lập một khu cao cấp để chế biến các mặt hàng thủy sản nhập khẩu. Việc khử trùng sản phẩm hiện được thực hiện 5-6 ngày/lần, thay vì 2 lần mỗi tuần. Shen cho biết sản phẩm có thể được vận chuyển đến kho lạnh sau khi quá trình khử trùng tại cảng hoàn thành.

Trong khi đó, các tàu vận tải của Nga vẫn bị cấm dỡ hàng ở Thanh Đảo, nhưng các lô hàng cá minh thái H&G của Nga sử dụng container có thể được dỡ xuống.

Các nguồn tin cho biết quy định cấm các nhà khai thác kho lạnh tiếp nhận cá có xuất xứ từ Nga gần đây đã được dỡ bỏ. Biện pháp trên được áp dụng vào tháng trước sau khi phát hiện dấu vết coronavirus trên cá của Nga, theo báo cáo trước đó của Undercurrent.

Ngoài ra, thủy sản nguyên liệu có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus ở bên ngoài bao bì bây giờ có thể được sử dụng để chế biến thực phẩm sau khi khử trùng, thay vì niêm phong cho đến khi có thông báo mới, các nguồn tin cho biết.

Mặc dù áp lực về chi phí vận chuyển và khai thác cảng đang dần được giảm bớt nhưng các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với chi phí lớn do tồn đọng container trong nhiều tháng qua.

Một nhà chế biến thủy sản có trụ sở tại Đại Liên, nói rằng nhiều nhà máy đang phải vật lộn để trả tiền cho các công ty vận tải biển (một khoản phí phải trả cho chủ tàu thuê do không bốc dỡ lên tàu trong thời gian đã thỏa thuận), với chi phí mỗi container 1.500-1.800 NDT (230,66-276,80 USD) mỗi ngày.

Các nhà máy chế biến cho biết các công ty phải chịu hàng triệu NDT chi phí sau nhiều tháng tồn đọng container, đồng thời cho biết thêm, "Đại dịch là điều bất khả kháng. Các doanh nghiệp không thể chi trả phí hạ tầng cao ngất ngưởng."

Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở Đại Liên đã tìm kiếm tư vấn pháp lý, kêu gọi các công ty vận chuyển giảm bớt tiền bán hàng hoặc hoàn lại tiền. Một số tranh chấp thậm chí đã phải đưa ra tòa án.

Một công ty thủy sản có trụ sở tại tỉnh Cát Lâm đã đâm đơn kiện một công ty vận tải biển nước ngoài tại Tòa án Hàng hải Đại Liên sau khi bị buộc nợ hàng trăm nghìn USD, Dalian Daily đưa tin.

6 container với 120 tấn cá tuyết Thái Bình Dương thuộc công ty thủy sản đã bị mắc kẹt tại cảng Đại Liên kể từ tháng 12 năm ngoái do dịch bệnh của thành phố tăng đột biến.

Luật sư đại diện cho công ty thủy sản cho biết việc tồn đọng container do các biện pháp kiểm soát coronavirus gây ra là trường hợp bất khả kháng. Các công ty vận chuyển không nên giữ hàng hóa và yêu cầu bất kỳ khoản phí nào nữa.

Tòa án cuối cùng đã đưa ra phán quyết yêu cầu công ty vận tải phải giao hàng cho công ty thủy sản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục