(vasep.com.vn) Global Times đưa tin, lĩnh vực nhập khẩu thực phẩm chuỗi lạnh của Trung Quốc, trước đây bị ảnh hưởng bởi những lo ngại liên quan đến COVID-19, hiện đang phục hồi trở lại, một phần nhờ vào sự gia tăng tiêu thụ cho lễ hội mùa xuân của nước này.
Thực phẩm nhập khẩu được giám sát chặt chẽ sau khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng kể từ tháng 6/2020, khi loại coronavirus mới được phát hiện trên thớt do một nhà cung cấp cá hồi nhập khẩu tại chợ Xinfadi ở Bắc Kinh sử dụng. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy dường như đã giảm bớt.
Một nhân viên của chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi sống Hema Fresh nói rằng cá hồi Đại Tây Dương từ Na Uy hiện đang được ưa chuộng hơn. Và một nhân viên dịch vụ khách hàng của nhà bán lẻ thực phẩm tươi sống trực tuyến Zhangxian Shenghuo cho biết, hàng chục con cá nguyên con đang được bán mỗi ngày. Vào cuối năm 2020, vào một số ngày hầu như không có doanh thu bán hàng.
Bà Victoria Braathen, giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tại Hội đồng Thủy sản Na Uy cho biết, Na Uy đã xuất khẩu 21.867 tấn hải sản trị giá 584 triệu NOK (68,7 triệu USD) sang Trung Quốc trong năm nay.
Weng Qiang, giám đốc thu mua tại Sunkfa Holding Group, một công ty thủy sản hàng đầu có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng nói với Global Times, doanh số bán cá hồi đã tăng trở lại bằng 50% mức trước dịch bệnh.
Không chỉ cá hồi. Liu Hongyun, một nhà kinh doanh hải sản có trụ sở tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, báo cáo rằng nhập khẩu tôm từ Canada đã tăng 30% trong tháng 2 và tháng 3, so với tháng 12 năm ngoái, khi doanh số chỉ bằng 1/10 so với trước khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, cá hồi và một số sản phẩm thủy sản chuỗi lạnh nhập khẩu khác như tôm, cua vẫn chưa lên kệ tại các siêu thị ở Bắc Kinh. Một nguồn tin từ chuỗi siêu thị địa phương Wumart cho biết, thủy sản chuỗi lạnh vẫn là một sản phẩm nhạy cảm và các nhà bán lẻ vẫn chưa quyết định khi nào sẽ tiếp tục bán hàng.
Các nhà nhập khẩu cũng phải đối mặt với thời gian chờ khử trùng tại một số cảng - đôi khi lên đến một tháng - và tỷ suất lợi nhuận thấp do lượng hàng tồn kho trên thị trường cao.