(vasep.com.vn) Cơ quan tư vấn chế độ ăn uống quốc gia của Trung Quốc đã đề xuất người dân nước này cần ăn nhiều hải sản hơn để giảm các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường đang gia tăng. Dự kiến Trung Quốc sẽ cần thêm từ 6 đến 18 triệu tấn thủy sản hàng năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Trong báo cáo hàng năm về các vấn đề chế độ ăn uống quốc gia, Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc, một nhóm nghiên cứu trực thuộc Bộ Dân chính, cho biết mức tiêu thụ thủy hải sản trung bình hàng ngày của quốc gia này là 24,3 gram là thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy mức này cần phải được tăng lên 40 gam. Họ cũng kêu gọi giảm lượng natri và đường, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh tiểu đường và bệnh mạch vành ở Trung Quốc.
Thiếu hụt lượng omega-3, cùng với việc tiêu thụ quá nhiều muối, được coi là hai nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính ở người dân Trung Quốc. Theo báo cáo, Trung Quốc tự hào có tỷ lệ tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tương đối cao, nhưng con số này dường như bị bóp méo bởi tỷ lệ tiêu thụ chênh lệch giữa các nhóm nhân khẩu học và khoảng cách giữa tỷ lệ tiêu dùng nông thôn và thành thị.
Các phương tiện truyền thông đưa tin về báo cáo thường niên thường được các nhà phân phối thủy sản trích dẫn trong việc tiếp thị những lợi ích sức khỏe của cá hồi và các loài khác.
Đảm bảo nguồn cung cấp hải sản dồi dào và rẻ đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, đặc biệt là trong cách tiếp cận thương mại và trợ cấp cho đội tàu đánh bắt xa bờ.
Một báo cáo riêng biệt, có tiêu đề “Trung Quốc ở ngã tư: Phân tích về sự thay đổi sản xuất và tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc,” của Trung tâm khả năng chống chịu Stockholm tại Đại học Stockholm, được công bố vào năm ngoái, cho thấy nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc có tác động đến nguồn cung thủy sản toàn cầu và giá cả.
Theo báo cáo, dự kiến Trung Quốc sẽ cần thêm từ 6 đến 18 triệu tấn thủy sản hàng năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, điều này cho thấy Trung Quốc sẽ tìm cách kết hợp giữa nhập khẩu, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ để đáp ứng nhu cầu của mình.