Nuôi trồng thủy sản vốn là ngành nghề quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan. Để đảm bảo ngành này tăng trưởng dài hạn, Thái Lan đã củng cố hệ thống sản xuất bằng cách nâng cao năng lực canh tác bền vững của nông dân và thực hiện Nuôi trồng thủy sản 4.0 (Aqua-IoT)…
Công nghệ nuôi trồng thủy sản mới Aqua–IoT, (Ảnh: Internet)
Trung tâm Công nghệ Máy tính và Điện tử Quốc gia thuộc Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Thái Lan (NECTEC-NSTDA) đã phát triển công nghệ nuôi trồng mới Aqua-IoT, một hệ thống giám sát dựa trên IoT về chất lượng vật lý, hóa học và sinh học của nước.
Tiến sĩ Supanit Porntheeraphat, Nhà nghiên cứu chính của Nhóm Nghiên cứu Công nghệ Nông nghiệp Kỹ thuật số NECTEC, cho biết dự án phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản kỹ thuật số bắt đầu tại NECTEC bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2010, thời điểm bùng phát dịch bệnh gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành nuôi trồng thủy sản và nền kinh tế nói chung của Thái Lan.
Theo đó, việc tích hợp dữ liệu chính bao gồm dữ liệu về chất lượng vật lý, hóa học và sinh học của nước, cũng như thời tiết vào một bảng điều khiển duy nhất cho phép người dùng dễ dàng nắm bắt thông tin, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định sáng suốt.
Tiến sĩ Supanit cho biết thêm Aqua-IoT được tạo thành từ 4 hệ thống chính: Hệ thống giám sát nước và thời tiết, Hệ thống MuEye, Hệ thống ChemEye và Hệ thống phòng thí nghiệm tối thiểu (Minimal Lab).
Trong đó, hệ thống đầu tiên có vai trò đo chất lượng nước (nhiệt độ, độ pH và oxy hòa tan) cũng như thời tiết (tốc độ và hướng gió, cường độ ánh sáng và lượng mưa). Những biến động này rất quan trọng với việc sục khí và quản lý thức ăn trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, hệ thống MuEye sẽ theo dõi sự phát triển của động vật thủy sinh và ký sinh trùng. Trong khi, thiết bị đọc hóa chất ChemEye sẽ đo mức nitrit, amoniac, clo, phốt phát và pH trong ao.
Cuối cùng, Minimal Lab là một hệ thống quản lý ứng dụng probiotic theo dõi sự phát triển của vi khuẩn. Hệ thống còn được tích hợp bộ xét nghiệm chẩn đoán bệnh BIOTEC-NSTDA cho tôm, cá với kết quả xét nghiệm sẽ tự động gửi về cơ sở dữ liệu trực tuyến mà người dùng có thể truy cập thông qua trình duyệt web và ứng dụng tin nhắn.
Hiện nay, công nghệ Aqua-IoT đã được cấp phép cho các doanh nghiệp, và được bán thương mại. Ưu điểm của công nghệ mới này là tiết kiệm năng lượng và chi phí thức ăn, cũng như giảm rủi ro bệnh tật.
Vào năm 2020, nhóm nghiên cứu bắt đầu giới thiệu Aqua-IoT cho nông dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực phía đông Thái Lan. Theo Tiến sĩ Supanit, hợp tác chặt chẽ với nông dân cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về yêu cầu và nhu cầu của họ, từ đó đưa đến sự phát triển của các công nghệ khác hỗ trợ tốt nhất quá trình nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, 2 công nghệ đang được phát triển của Aqua–IoT bao gồm, máy đếm tôm tự động để quản lý mật độ ao và máy lưới nâng tự động đo mật độ tôm để quản lý chất lượng nước và thức ăn.
Udon Songserm, chủ trang trại Wasin ở tỉnh Rayong, chia sẻ trải nghiệm về Aqua-IoT của mình, ông thấy rõ lợi ích của việc tiết kiệm chi phí, thời gian và lao động sau khi lắp đặt hệ thống tại một trong các ao của mình. Giờ đây, ông đã không cần phải có mặt mọi lúc để theo dõi từng ao nữa.
Dữ liệu về oxy hòa tan cho phép ông chỉ kích hoạt các thiết bị sục khí khi cần thiết, thay vì luôn bật máy. Điều này đang giúp trang trại của ông giảm đáng kể chi phí năng lượng. Dữ liệu về các đặc tính hóa học và sinh học của nước nhắc nhở ông cần có những biện pháp thích hợp để giảm tổn thất sớm nhất trong điều kiện độc hại và bùng phát dịch bệnh.
Nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Thái Lan, NSTDA có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới để đáp ứng nhu cầu các ngành và nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu. Được biết, NSTDA được tạo thành từ 5 trung tâm nghiên cứu quốc gia và 2 tổ chức liên quan đến chuyển giao công nghệ, phát triển và xúc tiến kinh doanh bao gồm cả NECTEC.
Bảo Ngọc (Theo VnEconomy)