Phát triển sinh kế, nuôi thủy sản (vọp kết hợp ốc len) dưới tán rừng ngập mặn tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) trong thời gian qua được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân ven biển, tăng cường công tác bảo vệ rừng cũng như bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Qua thời gian thực hiện, mô hình sinh kế này đã đem lại một số hiệu quả bước đầu.
Mô hình phát triển sinh kế, nuôi vọp kết hợp ốc len được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tại 11 hộ dân trên địa bàn 2 xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam (Cù Lao Dung). Theo đó, mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 840kg vọp, 161kg ốc len trên diện tích nuôi 2.000m2. Ngoài hỗ trợ về con giống nuôi, trung tâm còn hỗ trợ hộ dân vật tư cần thiết sử dụng trong mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi... Qua gần 1 năm triển khai mô hình, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực cho hộ dân tham gia thực hiện.
Ông Trần Văn Mới, ấp An Quới, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị liên quan hỗ trợ mô hình nuôi vọp kết hợp ốc len dưới tán rừng, tôi thấy đây là các đối tượng thủy sản thích hợp với điều kiện tự nhiên tại xã An Thạnh 3. Theo đó, ốc len của tôi nuôi hơn 10 tháng đã có thể thu hoạch được, ốc nhanh lớn, khoảng 100 con/kg (lúc thả khoảng 600 con/kg), còn vọp tầm 30 con/kg. Dự kiến đến thu hoạch, tổng sản lượng vọp và ốc len tầm 3 tấn, thu lợi nhuận hơn 25 triệu đồng. Với mô hình trên, theo tôi về kỹ thuật dễ áp dụng, chỉ cần chọn vị trí nuôi phù hợp, có thủy triều lên xuống, có bùn bã hữu cơ làm thức ăn cho vọp và ốc len; vốn đầu tư cho mô hình thấp, chỉ đầu tư con giống ban đầu, ốc len có thể sinh sản và thả bù cho vụ nuôi kế tiếp, không tốn chi phí thức ăn”.
Đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Mô hình nuôi vọp, ốc len kết hợp dưới tán rừng ngập mặn tại các hộ nuôi theo đánh giá, tỷ lệ sống của vọp đạt 80% (28 con/kg); ốc len tỷ lệ sống 80% (khoảng 100 con/kg) tại các vị trí nuôi có chất bùn nhão, có thủy triều lên xuống thường xuyên, thức ăn tự nhiên dồi dào, vọp và ốc len tăng trưởng tương đối tốt nên tỷ lệ sống cao. Do đó, việc triển khai mô hình sinh kế nuôi vọp kết hợp ốc len, tận dụng công nhàn rỗi, tạo thêm thu nhập cho người dân sống vùng ven bờ biển, nâng cao mức sống cho các hộ gia đình tham gia mô hình sinh kế, không có đất hoặc ít đất sản xuất, sinh sống bằng nghề trồng rừng, khai thác thủy sản nhỏ lẻ... Đồng thời, thông qua hiệu quả kinh tế của mô hình hộ dân, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở bãi bồi trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.
“Để mô hình thành công hơn nữa thì cần chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ, giao một phần diện tích rừng cho các hộ dân thuộc tổ trồng rừng, tổ hợp tác sản xuất, bảo vệ rừng và quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ. Sự thành công của mô hình không chỉ mở ra một hướng sinh kế mới cho ngư dân sống ven biển, mà còn là cơ sở để huyện thuyết phục tỉnh cho phép tận dụng diện tích bãi bồi dưới tán rừng để phát triển mô hình sinh kế cho ngư dân vùng ven biển, đồng thời với mô hình này, địa phương sẽ kết hợp với du lịch sinh thái, nhằm giải quyết việc làm cho cộng đồng cư dân, phát triển kinh tế của địa phương” - đồng chí Liễu Nghĩa Tín chia sẻ thêm.
(Theo báo Sóc Trăng)