Lối mở để doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu

Cùng với con cá tra và các loại tôm nuôi nước lợ đã được đẩy mạnh xuất khẩu, hiện nay nhiều loại thủy sản nuôi nước ngọt và nuôi ở biển tại vùng ÐBSCL như: cá rô phi, điêu hồng, tôm càng xanh, lươn, ếch, nghêu sò, cua biển… được một số doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu. Tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các loại thủy sản này còn rất lớn nếu có sự liên kết tốt giữa người nuôi và các doanh nghiệp. Ðây cũng là lối mở để giải quyết tình trạng giá giảm thấp dưới giá thành của nhiều loại thủy hải sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Lối mở để doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu
Tôm càng xanh là loại thủy sản có tiềm năng để xuất khẩu và cũng thuận lợi để phát triển nuôi tại vùng ÐBSCL theo mô hình luân canh tôm - lúa và một số mô hình khác để chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Tôm càng xanh nuôi tại một hộ dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).

Khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ các loại thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được các cấp, các ngành chức năng và người dân tại các địa phương vùng ÐBSCL triển khai thực hiện nhiều giải pháp kịp thời đã ổn định và duy trì phát triển các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Mới đây, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến kết nối liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản theo chuỗi với Công ty TNHH kết nối hải sản Mekong thuộc Tập đoàn Mekong Food Group (MFG) ở TP Hồ Chí Minh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, hộ dân, hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản và đại diện ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL đã kịp thời nắm bắt thông tin về nhu cầu thị trường, các cơ hội và yêu cầu cần thiết để có thể cung ứng, phát triển sản xuất nhiều loại thủy hải sản phục vụ xuất khẩu.

MFG là tập đoàn phân phối nông, thủy sản được thành lập năm 2010 với 4 công ty thành viên. Ðối với mặt hàng thủy sản, tập toàn đã xuất khẩu sản phẩm sang được 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian qua, MFG cũng đã mua hàng tại Việt Nam và nhiều nước như Indonesia, Ấn Ðộ, Ecuador, Bangladesh, Trung Quốc. Hiện Công ty TNHH kết nối hải sản Mekong thuộc MFG cần thu mua thủy hải sản mỗi tháng khoảng 1.000-1.500 tấn các loại. Do vậy, Công ty có nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp, hộ dân, hợp tác xã và tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản tại các địa phương vùng ÐBSCL. Qua đó, xây dựng vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản như tôm càng xanh, tôm thẻ, tôm sú, cá tra, đùi ếch, cá rô phi, điêu hồng, nghêu, sò và một số sản phẩm đang xúc tiến thương mại khác như lươn, cá thát lát và cá biển… Theo ông Hoàng Văn Duy, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH kết nối hải sản Mekong, các nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về thủy hải sản. Các cơ hội và tiềm năng để chúng ta phát triển xuất khẩu là rất lớn, kể cả đối với các mặt hàng vốn còn mới và có sản lượng xuất khẩu chưa nhiều: như tôm càng xanh, ếch, lươn, nghêu, cua biển… Vấn đề là cần có sự liên kết hình thành các chuỗi, với sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ từ người nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Nuôi trồng thủy sản tại vùng ÐBSCL đã khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước. Trước đây, diện tích nuôi thủy sản của vùng chỉ ở mức khoảng 400.000ha thì những năm gần đây đã đạt 800.000ha, sản lượng mỗi năm hơn 3 triệu tấn và đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, do nhiều loại thủy sản còn nuôi nhỏ lẻ, tiêu thụ chủ yếu dạng tươi thô tại thị trường nội địa, nông dân chưa liên kết, ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ các đơn vị, doanh nghiệp nên giá cả đầu ra còn thường xuyên bấp bênh. Ðặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã khiến cho giá nhiều loại thủy sản hải sản vốn trước đây có giá cao như: tôm càng xanh, lươn, ếch, nghêu sò, cua biển… bị giảm thấp và khó tiêu thụ. Ðể giúp người dân vượt qua khó khăn hiện tại và ổn định sản xuất lâu dài, đòi hỏi ngành chức năng kết nối cung - cầu và hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách căn cơ, với sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong từng chuỗi ngành hàng.

Nhờ kết nối của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT mà tỉnh Kiên Giang đã tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản. Mới đây nhất đã kết nối được 2 doanh nghiệp thu mua tôm càng xanh đưa đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, giúp giải quyết đầu ra cho bà con nông dân. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Từ nay đến cuối tháng 8, nông dân tại 7 huyện ven biển của tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 1.500 tấn thủy sản các loại, trong đó có 1.056 tấn tôm càng xanh, 65 tấn tôm thẻ, 100 tấn cua biển, 126 tấn cá bống mú, ngoài ra còn có sò huyết, cá bớp... Do vậy, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh mong các doanh nghiệp đến địa phương tìm hiểu và ký hợp đồng nguyên tắc để liên kết lâu dài. Căn cứ vào đó, ngành Nông nghiệp sẽ chỉ đạo sản xuất, bố trí mùa vụ, vùng nguyên liệu phù hợp và hỗ trợ các HTX sản xuất theo các tiêu chí của phía doanh nghiệp đặt hàng, đảm bảo cung ứng nguyên liệu bền vững”.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, không chỉ có các vùng nguyên liệu lớn về nuôi cá tra mà còn có nhiều nông dân, tổ hợp tác và HTX tham gia nuôi các loại cá điêu hồng, rô phi, lươn, ếch và tôm càng xanh… cần liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm. Sở sẵn sàng làm đầu mối để kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu liên kết theo chuỗi với nông dân tại các HTX, đồng thời hỗ trợ nâng chất các HTX để có thể đảm nhận vai trò sơ chế sản phẩm, chứ không chỉ nuôi trồng...

Tổ chức lại sản xuất là rất cần thiết nhằm bán được sản phẩm giá cao, hạn chế những “ách tắc” trong sản xuất và giảm các áp lực phải đưa hàng đi tiêu thụ gấp vì thiếu khâu chế biến và bảo quản. Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác - Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, tới đây các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, giúp các HTX không chỉ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả tốt mà cần phải đầu tư thực hiện các khâu sơ chế, chế biến và phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ xã viên.

(Theo báo Cần Thơ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục