ĐBSCL với những thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm,... có thể hợp tác lâu dài với Campuchia.
Trong hai ngày 15 và 16/8, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) và một số doanh nghiệp Campuchia đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh An Giang, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ và tìm hiểu mô hình sản xuất thủy sản ở các địa phương vùng ĐBSCL.
Ông Lê Minh Điển, Tham tán đầu tư, Đại Sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho rằng, ĐBSCL là cửa ngõ quan trọng của các nước tiểu vùng sông Mekong, và các địa phương của Vương quốc Campuchia có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều cơ hội đầu tư vẫn chưa được các doanh nghiệp hai nước tận dụng hiệu quả.
Trong chuyến tìm hiểu và mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở khu vực ĐBSCL đầu tư sang Campuchia và ngược lại, ngài Oknha Leng RiThy – Chủ tịch Tổng Công ty RiThy Granite Cambodia, cố vấn Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cho biết, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Campuchia thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2018 đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 23,8% so năm 2017. Việt Nam đã có 214 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp 2 quốc gia hợp tác. Trong đó, nhất là ở vùng ĐBSCL với những thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm là những lĩnh vực mà Campuchia mong muốn có sự hợp tác, đầu tư lâu dài.
Ngài Oknha Leng RiThy cũng mong muốn Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ là cầu nối để tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp của Campuchia.
“ĐBSCL là khu vực phát triển lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi bò rất tốt, trong khi đó Campuchia có quỹ đất còn rất lớn và môi trường đảm bảo cho phát triển lĩnh vực này nên cần có sự mạnh dạn phối hợp. Hiện nay, Việt Nam bán thủy sản cho Campuchia nhưng vài năm sau có thể sản xuất tại Campuchia. Việt Nam giờ có thế mạnh thị trường lớn nên rất mong có sự hợp tác với Campuchia”, ngài Oknha Leng RiThy nhấn mạnh.
(Theo VOV)