Vực dậy tiềm năng con sò huyết

Giống sò huyết được xem là tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng cho riêng vùng đất ven biển Cà Mau. Tuy nhiên, thời gian qua việc quản lý, khai thác sò huyết giống chưa có tổ chức, thiếu quy hoạch khiến nguồn lợi này một thời gian dài bị lãng phí.

Tiềm năng bị lãng quên

Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết, bãi sò huyết giống dọc theo tuyến biển Tây của huyện rất lớn. Tuy nhiên, do chưa thể tổ chức quản lý và khai thác tốt nên nguồn lợi này mang lại cho người dân địa phương không được bao nhiêu. Chẳng những vậy, đến mùa sò giống, ngư dân ở một số tỉnh lân cận như Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre… đổ xô xuống khai thác còn gây ra tình trạng mất an ninh trật tự mà địa phương khó kiểm soát.

Địa phương cũng đã quy hoạch vùng để nuôi sò huyết thương phẩm nhưng hiệu quả không cao. Có những bãi sò huyết giống rất nhiều nhưng qua mùa nước xổ từ rừng thì không còn lại được bao nhiêu sò thịt. Qua thực tế nhiều năm cho thấy nếu con sò giống mà không khai thác thì cũng chết hết. “Thực trạng này thời gian qua đang là một sự lãng phí, trong khi đời sống người dân ven biển, nhất là khu vực Hương Mai, Tiểu Dừa còn rất khó khăn”, ông Dư Bé Ba chia sẻ.

Đồng tình với nhận định của ông Dư Bé Ba, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết, sò giống bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu mùa khô, lối tháng 10 và 11. Tuy nhiên, qua mùa mưa nước rừng U Minh đổ ra đỏ ngầu, gần như sò huyết giống chết hết. “Khu vực này không thể nuôi được sò thương phẩm mà chỉ có thể khai thác sò giống”, ông Minh khẳng định, không thể nuôi được sò thương phẩm trong khi đây là nơi xuất hiện nhiều bãi sò giống hằng năm. Vì thế, nếu không khai thác sẽ là sự lãng phí tài nguyên.

Tìm hướng vực dậy

Công ty Cổ phần Thuỷ sản Hà Phát Cà Mau là một đơn vị nhiều kinh nghiệm trong nuôi sò thương phẩm. Ông Nguyễn Dũng Hà, Giám đốc công ty, chia sẻ: Nhìn cách người dân khai thác giống sò huyết mà thấy tiếc. Họ tiến hành khai thác khi sò giống phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy, người cào qua, người cào lật lại, đến khi về tới nơi thả nuôi, sò giống đã bị bầm giập hết. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ sống hiện nay của con sò chỉ khoảng 15%, một tỷ lệ cho thấy sự lãng phí quá lớn.

Ông Nguyễn Dũng Hà nhận định, mặc dù có giá trị kinh tế cao, song thời gian qua con sò huyết chỉ mang tính chất là đặc sản vùng miền, chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa thể phát triển thành sản phẩm hàng hoá gắn với thương hiệu để có thể xuất khẩu mang về ngoại tệ cho đất nước.

Nhận thấy tiềm năng to lớn từ con sò huyết, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Hà Phát Cà Mau đang xây dựng phương án khai thác, ương giống và nuôi sò huyết thương phẩm ven biển Tây của tỉnh. Theo ông Hà, nếu được cho chủ trương đầu tư, đến mùa giống, công ty tổ chức bảo vệ đến khi sò giống bám đáy (giai đoạn cám) sẽ cho người dân tiến hành khai thác, sau đó công ty thu mua bằng giá thị trường để phục vụ vùng nuôi thương phẩm. "Hướng phát triển của chúng tôi là xây dựng doanh nghiệp xã hội nhằm tạo sinh kế bền vững và nâng cao cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là dân nghèo", ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, để có thể khoanh vùng bảo vệ, đợi đúng thời điểm khai thác thì trước tiên phải thành lập được các hợp tác xã (HTX) làm cơ sở pháp lý, bởi đây là nguồn tài nguyên chung của quốc gia. Ông Dư Bé Ba cho rằng, chỉ có thành lập được HTX mà thành viên là dân địa phương để họ tự bảo vệ, tự khai thác trên cơ sở hỗ trợ phương tiện kỹ thuật của đơn vị chuyên môn thì mới mang lại hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Đồng thuận quan điểm phải để người dân tự bảo vệ và tự khai thác thông qua HTX, ông Sử Văn Minh cho biết thêm, chính quyền địa phương sẽ kết hợp với các lực lượng chức năng như biên phòng, công an… trên địa bàn để hỗ trợ người dân bảo vệ bãi, đợi đến thời điểm khai thác./.

(Theo báo Cà Mau)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục