Tận dụng tiết trời ấm áp đầu xuân, ngư dân các huyện Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã ra khơi đón lộc biển đầu năm. Những chuyến tàu mang tôm cá cập cảng trong niềm hân hoan một mùa vụ đánh bắt mới.
Từ vùng biển gần bờ
Gác mái chèo từ ngày giáp Tết để sửa soạn vui xuân trong đất liền, những ngày này, ngư dân Phan Văn Tốt (53 tuổi, thôn Thai Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) sửa soạn lại ngư lưới cụ để ra khơi trong chuyến biển đầu năm. Gần 30 năm nương theo con sóng, với ông Tốt, nghề biển chưa bao giờ phụ gia đình ông, dù có lúc phải chật vật khó khăn do giá cá xuống thấp hoặc không bán được. Ông Tốt tâm sự: “Từ ngày bị sự cố môi trường biển, đến nay, ngư dân cũng như người tiêu thụ đang dần lấy lại niềm tin nơi con cá, con tôm. Mỗi sáng, thuyền chúng tôi vào bờ, đều bán hải sản ở các chợ trong và ngoài xã. Giá bán bình thường trở lại, mức tiêu thụ ổn định khiến người vùng biển rất phấn khởi”.
Ông Tốt vốn làm nghề câu mực, cá nục gần bờ. Chưa có kinh phí để đóng những chiếc tàu lớn vươn khơi, nhưng với ông, nghề biển vẫn cho thu nhập đều đặn cho gia đình, nuôi con ăn học. Mỗi chuyến ra khơi, từ nghề lưới, câu, ông cũng kiếm được vài chục cân đến cả tạ các loại hải sản, một phần làm thức ăn trong gia đình, phần lớn mang ra chợ bán. Sau khi được nhà nước hỗ trợ thiệt hại sau sự cố môi trường biển, ông Tốt cũng như hàng chục ngư dân xã Hải Dương đã cải hoán lại tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ với nhiều phương thức đánh bắt hải sản mới, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng hải sản.
Với những ngư dân không tham gia đánh bắt gần bờ, đầu xuân họ cũng “đầu quân” cho những tàu lớn đi thu mua hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc tham gia đánh bắt ở những ngư trường xa. Trong không khi hân hoan cho một mùa vụ mới, ngư dân Hải Tiến, Minh Hải (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), cũng đã ra khơi đánh bắt đầu xuân. Bà Trần Thị Thương (50 tuổi, thôn Minh Hải), cho biết: “Vụ đông thì mình tham gia đánh bắt gần bờ với thuyền công suất 25CV. Các loại hải sản gần bờ chủ yếu cá tạp, mang bán làm thức ăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Đầu năm sau khi ăn Tết xong, nhiều bà con ngư dân chuyển sang làm bạn thuyền ở các tàu lớn trong thị trấn. Mỗi vụ đánh bắt đi về trong tuần, trừ chi phí cũng kiếm được vài triệu đồng cho mỗi bạn thuyền”.
Bà Thương là một trong 8 thuyền viên thường xuyên tham gia đánh bắt trên tàu bà Trần Thị Thìn (thôn Hải Tiến). Buổi sáng, tại bãi bồi thôn Hải Tiến, từ xa, tiếng máy nổ từ động cơ tàu cứ gần dần vào bờ, cũng là lúc nhiều thương lái chờ mua cá với lỉnh kỉnh đủ thứ rổ rá. Thuyền cập bến, những mẻ cá tươi ròng theo quang gánh thương lái về các chợ. “Giá cá bán đã bình thường trở lại, đây là chuyến ra biển đầu tiên của thuyền chúng tôi. Bình thường tàu công suất gần 500CV ra các vùng biển xa như Cồn Cỏ (Quảng Trị) đi từ 10-15 ngày. Còn đầu xuân chỉ đi trung bờ, trừ chi phí còn lãi khoảng 10-15 triệu đồng, chia cho các lao động trên thuyền”, ngư dân Trần Thị Thìn, tâm sự.
Vươn khơi xa tìm lộc
Sau đền bù sự cố môi trường biển, thời gian gần đây, ngư dân Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí cải hoán tàu thuyền và mua sắm ngư lưới cụ, nhằm tăng khả năng đánh bắt dài ngày, vươn đến những ngư trường xa với các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. “Trước đây, ngư dân chủ yếu sử dụng nghề vây rút chì khai thác các loại hải sản như cá nục, cá bánh lái, cá chuồn... giá trị kinh tế thấp, nay nhờ có thêm nghề rê nên đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, như cá chim, cá ngừ đại dương, cá cờ, cá thu, cá lạc”, ngư dân Trần Văn Châu (51 tuổi, thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An), khẳng định.
Sáng mùng 4 Tết, tại cảng cá Thuận An, không khí nhộn nhịp “ra quân” chuẩn bị một vụ đánh bắt mới khẩn trương. Trên cầu cảng, ngư dân cấp tập vận chuyển đá, nước ngọt cùng các nhu yếu phẩm chuẩn bị ra khơi. Nhiều tàu đã làm xong lễ cúng đầu năm để chuẩn bị rời bến. Dưới bến tàu, các ghe ghọ công suất nhỏ, đánh bắt trung, gần bờ đã cập cảng, mang những mẻ cá đầu tiên của vụ đánh bắt mới bán cho thương lái. “Mỗi chuyến ra khơi, tính theo thời giá hiện nay, tùy theo tàu công suất lớn nhỏ tiêu tốn chừng 5 - 10 triệu tiền đá và 20-40 triệu tiền dầu. Do vậy, đầu năm ngư dân mong một chuyến tàu thuận lợi, gặp được mẻ cá là vào “bán tươi” ngay”, ông Châu nói.
Với các tàu thu mua, làm dịch vụ hậu cần nghề cá như tàu của ông Trần Văn Hải (thôn Tân Bình), mỗi chuyến thu mua tốn chừng 400 cây đá và trên 1.000 lít dầu. Đá nếu mua ở bên ngoài giá 18 nghìn đồng/cây loại 50kg; mua tại cảng, đầu năm nhiều cơ sở bán đá “giảm giá lấy may” cho các chủ tàu, nên chỉ 16 nghìn đồng/kg. “Tàu mình vừa thu mua, vừa chiếu đền vây lưới đánh cá ăn chia với tàu bạn nên chuyến này ra khơi, hy vọng lãi vài chục triệu đồng, mỗi bạn thuyền sau 5-7 ngày cật lực làm việc cũng kiến được dưới 10 triệu đồng/thuyền viên”, ông Hải phấn khởi.
Với ngư dân Vinh Thanh, từ mùng 3-4 Tết, nhiều tàu đánh bắt, dịch vụ hậu cần đã ra khơi tìm lộc biển. Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội nghề cá Vinh Thanh cho biết: “So với các nơi trong tỉnh, ngư dân Vinh Thanh năm nay ra khơi sớm hơn cho vụ cá đầu xuân. Địa phương tuy tàu dịch vụ hậu cần phát triển chưa mạnh nhưng tàu đánh bắt xa bờ lại đang ăn nên làm ra. Toàn xã có 25 chiếc tàu công suất từ 105 - 850CV. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, đã có 5 tàu được đóng mới từ các xưởng trong và ngoài tỉnh. Năm nay, giá cá bán đã bình thường trở lại, nghề lưới rê tầng đáy đang được ngư dân đầu tư đánh bắt hiệu quả với thu nhập bình quân 100-150 triệu đồng/tàu/chuyến”. Những ngày này, trong không khí đầu xuân, ngư dân các địa phương Phú Lộc, Phong Điền cũng đang chuẩn bị cho một mùa vụ đánh bắt mới.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có trên 2.000 ghe, ghọ các vùng bãi ngang, tham gia đánh bắt gần bờ. Riêng tàu đánh bắt xa bờ khoảng 335 chiếc, trong đó, tàu có công suất trên 400CV có gần 100 chiếc. Thời gian qua, ngư dân các địa phương đã cải hoán, đóng mới tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ, nâng cao sản lượng đánh bắt trên biển khoảng 35 nghìn tấn/năm.
Báo Thừa Thiên Huế