Thời tiết thuận lợi, nhiều nghề khai thác biển đạt hiệu quả cao

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm 2017 tình hình thời tiết rất thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản.

Hiện nay, đang vào chính vụ cá nam, ngư dân tranh thủ ra khơi tăng chuyến, các vùng biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ liên tục xuất hiện các đàn cá nổi như cá trích, cá cơm, cá trác, cá chuồn, cá nục, cá ngừ sọc dưa, tôm, mực... Nhiều nghề khai thác biển đạt hiệu quả cao như nghề lưới rê, lưới vây và lưới rê cước… 

Ước tính sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,6 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 54,8% so với kế hoạch năm 2017. Cụ thể, khai thác biển ước đạt hơn 1,55 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016; khai thác nội địa ước đạt 85.000 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ. 
Diễn biến thời tiết thuận lợi cũng đã giúp cho các đội tàu khai thác cá ngừ đại dương tại tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hoạt động hiệu quả.

Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 13.026 tấn, tăng 21,8 % so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Khánh Hòa đạt 2.925 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016; Phú Yên đạt 3.201 tấn, tăng 5,5%; Bình Định ước đạt 6.900 tấn, tăng 43,2%.

Giá bán cá ngừ đại dương tại cảng biển bình quân của 3 tỉnh trọng điểm như loại nhỏ hơn 30 kg/con, giá bán 60.000-80.000 đồng/kg; loại lớn hơn 30kg/con giá bán 92.000-96.000 đồng/kg. 

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 6 năm 2017 ước đạt 450.000 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 43,3% so với kế hoạch năm 2017. 

Đối với cá tra, hiện đang vào thời điểm thu hoạch rộ nên giá cá tra giảm mạnh theo xu hướng giảm giá của một số loài thủy sản khác. So với tháng trước, giá cá tra nguyên liệu đã giảm khoảng 3.000-4000 đồng/kg. Bên cạnh đó, diện tích nuôi cá tra cũng có xu hướng giảm mặc dù đầu năm giá cá tra tăng khá cao nhưng người nuôi đã có nhiều kinh nghiệm về sự bấp bênh của thị trường tiêu thụ nên không thả nuôi ồ ạt. 

Trong tình hình sản xuất cá tra còn gặp nhiều khó khăn, để giảm bớt rủi ro nhiều hộ chuyển đổi diện tích sang nuôi các loài cá khác như cá lóc, cá trê... Diện tích cá tra hiện có của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3.076 ha, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2016. 

Tuy nhiên, do phần lớn diện tích nuôi là cá tra công nghiệp nên sản lượng thu hoạch không suy giảm so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 583.503 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước và bằng 50,7% kế hoạch năm. Các tỉnh trọng điểm nuôi cá tra vẫn duy trì được diện tích và sản lượng nuôi như Đồng Tháp, Bến Tre. 

Đối với con tôm, tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho việc thả nuôi tôm nước lợ, bên cạnh đó, giá tôm nước lợ ổn định, tôm nuôi đang phát triển tốt. Ước diện tích nuôi tôm nước lợ 6 tháng đạt 639.761 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 216.811 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ và bằng 32,9% kế hoạch năm 2017. 

Một số mô hình nuôi tôm thẻ thu được lợi nhuận khá khiến diện tích nuôi loài này đang được mở rộng nhanh chóng. Diện tích tôm thẻ cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt 57.680 ha, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, thu hoạch được 107.662 tấn, tăng 30,8%. 

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi quá nhanh dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, hệ thống ao nuôi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Nuôi tôm sú tăng trưởng ổn định, diện tích nuôi tôm sú cả nước ước đạt 582.080 ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 109.149 tấn, tăng 2,2%./. 

(Theo TTXVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục