Tăng cường cấp đông, lưu trữ hải sản

Bình Thuận tăng cường giải pháp lưu trữ, cấp đông hải sản, vừa giải quyết khó khăn trước mắt trong tiêu thụ, vừa đảm bảo nguyên liệu dài hạn cho chế biến.

Sản lượng hải sản tăng, nhưng đầu ra khó khăn

Bình Thuận được xem là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước. Các tàu cá ở tỉnh này hoạt động các nghề như lưới rê, vây, câu, kéo, lặn…, ngư trường hoạt động chủ yếu tại vùng lộng và ven bờ trong tỉnh, Đảo Côn Sơn, Trường Sa, Nhà giàn DK1…

Tăng cường cấp đông lưu trữ hải sản
Ngư dân đánh bắt hải sản cập cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Theo ngư dân Trần Văn Tuấn, ở phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết, vụ cá Nam năm 2021, tình hình thời tiết, ngư trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn biến thuận lợi nên các tàu hoạt động khai thác hải sản tương đối ổn định.

Nhiều tàu hành nghề rê rút chì đánh bắt sản lượng từ 15 - 20 tấn/chuyến các loại cá như nục, bạc má, cá ngân, ngừ… Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá cá bán thấp, tiêu thụ chậm nên ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo BQL Cảng cá Phan Thiết cũng xác nhận, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh thực hiện giãn cách và một số chợ lớn bị đóng cửa. Trong khi việc tiêu thụ hải sản chủ yếu nội địa và thu mua để cấp đông, dẫn đến giá cá giảm từ 20 - 30% so với bình thường.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, 7 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 122.533 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7/2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên 2 địa phương nghề cá lớn của tỉnh là TP. Phan Thiết và Thị xã La Gi.

Các tàu cá, phương tiện vận chuyển, lao động biển ra vào cảng khai thác, bốc dỡ, vận chuyển, phân phối, kinh doanh thủy sản phải đảm bảo theo quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số chợ truyền thống hạn chế hoạt động, các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đảm bảo hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”... dẫn đến hoạt động sản xuất, chế biến, lưu trữ, tiêu thụ hải sản khai thác gặp rất nhiều khó khăn.

Các tàu đánh bắt đạt sản lượng nhưng giá cá các loại giảm 20 - 30% so với ngày bình thường. Ảnh: A.T.
Các tàu đánh bắt đạt sản lượng nhưng giá cá các loại giảm 20 - 30% so với ngày bình thường.

Cụ thể trong tháng 8/2021, khoảng 3.228 tàu cá/12.600 lao động phải tạm ngưng hoạt động, kéo theo sản lượng hải sản khai thác qua các cảng giảm mạnh so với tháng 7/2021, nhất là tại cảng cá La Gi. Ngoài ra, khoảng 85% tàu cá hoạt động nghề hậu cần huyện Phú Quý gặp khó khăn trong việc cập cảng Phan Thiết để bốc dỡ sản phẩm.

Khoảng 39% cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”, 16% cơ sở chỉ thực hiện thu mua, bảo quản nguyên liệu và 40% cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng với công suất từ 30 - 50% so với bình thường.

Sở NN-PTNT Bình Thuận giao Chi cục Thủy sản phối hợp các Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa và các địa phương theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động khai thác hải sản vụ cá Nam từ nay đến cuối tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh về số lượng tàu cá, ngành nghề, sản lượng, chủng loại...

Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng nắm bắt số tàu cá ngoài tỉnh hoạt động, tập kết tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh để dự báo sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh và sản lượng hải sản tập kết qua các cảng cá định kỳ 2 tuần/lần để chủ động trong khâu tiêu thụ.

3 kênh tiêu thụ

Trước khó khăn trên, Sở NN-PTNT Bình Thuận vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn phương án, giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hải sản khai thác cho ngư dân.

Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực đưa ra giải pháp hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản. Ảnh: A.T.
Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực đưa ra giải pháp hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản.

Theo đó, để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm hải sản trong điều kiện dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đề nghị các đơn vị quản lý chuyên ngành thủy sản, các sở ngành, địa phương và các hiệp hội ngành thủy sản phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm giải quyết đồng bộ giữa đầu vào và đầu ra theo chuỗi từ hoạt động khai thác trên biển, tập kết đến bốc dỡ, phân phối, cung ứng nguồn hàng tiêu thụ theo ba nhánh/kênh chính.

Thứ nhất, kênh phân phối tiêu thụ trực tiếp, kết nối thị trường tiêu thụ trong tỉnh, ngoài tỉnh qua chợ, siêu thị hoặc cung ứng trực tiếp đến người tiêu dùng (xử lý sản phẩm theo nhu cầu nơi mua, người mua).

Thứ hai, cung ứng đầu vào cho sản xuất, chế biến trong và ngoài tỉnh đưa vào chế biến trực tiếp hoặc dự trữ nguyên liệu cho chế biến, trong đó tập trung trong tỉnh nhằm tạo việc làm, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Lưu ý giải quyết đồng bộ khâu vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm chế biến đầu ra.

Thứ ba, chuyển tải hàng đông lạnh hải sản khai thác để lưu trữ kho đông trong tỉnh, do doanh nghiệp tự cân đối, cung ứng theo nhu cầu thị trường (đối với nhóm sản phẩm hải sản hàng đông, chủ yếu xuất phát từ huyện Phú Quý). Từ đó sẽ giải quyết khó khăn trước mắt, vừa phải có những giải pháp lâu dài.

Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá cá giảm nhưng ngư dân Bình Thuận vẫn nỗ lực bám biển. Ảnh: A.T.
Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá cá giảm nhưng ngư dân Bình Thuận vẫn nỗ lực bám biển.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nhất là trong thời điểm vụ cá Nam, mùa vụ chính của ngư dân sẽ chịu tác động, ảnh hưởng.

Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thủy sản tại Bình Thuận và các địa phương, Sở NN-PTNT đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản, tàu cá nghề dịch vụ thủy sản, cũng như chỉ đạo các ngành ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ vay vốn tín dụng, gia hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản về vốn lưu động để duy trì hoạt động, ổn định sản xuất.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét ưu tiên phân bổ vacxin cho các tỉnh nghề cá lớn để thực hiện tiêm phòng Covid-19 cho ngư dân và cho nhân lực trong các đơn vị quản lý thủy sản do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp…

Sở NN-PTNT Bình Thuận chỉ đao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thị trường thủy sản của Bộ NN-PTNT để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp về đầu ra và các hình thức hỗ trợ tiêu thụ phù hợp.

Đồng thời, phối hợp Hiệp hội Thủy sản tỉnh; Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết nắm tình hình hoạt động, nhu cầu của từng doanh nghiệp về nguồn hàng cần thu mua, thời gian, địa điểm thu mua, phương án vận chuyển - cung đường.

Từ đó, thông báo cho địa phương, các ngành chức năng (công thương, giao thông vận tải) phối hợp, hỗ trợ. Cùng với đó phối hợp ngành công thương nắm thông tin về năng lực kho lạnh, điều tiết, vận chuyển hàng lưu kho, gửi kho, thuê kho (trong và ngoài tỉnh).

Trường hợp doanh nghiệp tìm được kho để lưu hàng, gửi, thuê kho thì nắm thông tin địa điểm trong hay ngoài tỉnh, phương thức vận chuyển, thông báo cho ngành chức năng, địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ…

(Theo Nông nghiệp VN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục