Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá

Để gỡ thẻ vàng EC, Luật Thủy sản quy định các tàu cá khai thác ngoài khơi phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không thực hiện, việc ra khơi hay bán cá sẽ gặp nhiều trở ngại

Nhiều ngư dân vừa gửi đơn đến Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động tại Khánh Hòa, phản ánh cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gây khó dễ trong việc cấp giấy tờ để làm các thủ tục cần thiết khi bán cá.

Không triển khai mạnh, ngư dân sẽ gặp khó

Ngư dân Trần Khắc Thạch cho biết ngày 26-10, tàu câu cá ngừ đại dương của ông về cảng Hòn Rớ với sản lượng khá. Sau khi trừ phí tổn, chuyến biển ấy ông lãi khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay đã gần 1 tháng, ông vẫn chưa nhận được tiền bán cá để chi trả cho bạn đi tàu.

Lý do: Tàu cá của ông Thạch khi nhập cảng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực thẩm (ATVSTP). Vì vậy, cảng cá Hòn Rớ không xuất biên lai bốc xếp nên doanh nghiệp thu mua không đủ cơ sở pháp lý để tiêu thụ sản phẩm vì vi phạm quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản (IUU) mà Việt Nam cam kết thực hiện để gỡ thẻ vàng EC.

"Đến nay, tàu cá của tôi đã được cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP nhưng cảng vẫn không xuất biên lai, doanh nghiệp không chịu trả tiền. Trước đây, không ai đòi hỏi giấy chứng nhận ATVSTP, đùng một cái đòi thì chúng tôi sao xoay xở kịp?" - ông Thạch băn khoăn.

Cùng chuyến biển ấy, ông Trần Thế Hiển (chủ tàu KH95598TS) bán được 28 triệu đồng tiền cá, còn ông Huỳnh Văn Quý (chủ tàu KH93825TS) được hơn 110 triệu đồng. Cả hai cũng không được doanh nghiệp trả tiền vì thiếu giấy ATVSTP.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, khẳng định cảng không làm khó ngư dân vì Luật Thủy sản (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) đã quy định bắt buộc các tàu cá khai thác ngoài khơi phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP. "Chúng tôi siết chặt lại để ngư dân có ý thức hơn trong việc hoàn thiện các thủ tục. Các trường hợp mà ngư dân phản ánh, cảng sẽ kiểm tra lại theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho họ" - ông Hiếu nói.

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, tỉnh hiện có 748 tàu khai thác khơi dài trên 15 m, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng chỉ 360 tàu có giấy này. Lý do là dù Luật Thủy sản đã quy định nhưng trong thông tư hướng dẫn cũng như biên bản tàu rời cảng không đề cập nên chưa được quan tâm đúng mức.

Không khó, nên tuân thủ

Chiều 19-11, ông Lương Công Xuyên (ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đang cho công ty bảo hiểm kiểm tra để sửa lại tàu cá PY90144TS bị cơn bão số 12 đánh vỡ. Trong các giấy tờ mà công ty bảo hiểm yêu cầu ông Xuyên cung cấp, có giấy chứng nhận ATVSTP.

"Tôi thấy yêu cầu này bình thường. Quy định tàu khai thác xa bờ phải có giấy này thì mình phải tuân thủ" - ông Xuyên nói, đồng thời cho biết cứ hết hạn đăng kiểm thì ông yêu cầu Chi cục Thủy sản Phú Yên kiểm tra để cấp lại giấy chứng nhận ATVSTP cùng với giấy đăng kiểm mới.

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho biết hơn 700 tàu khai thác khơi của tỉnh này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Theo ông Minh, tàu khai thác khơi không có giấy chứng nhận ATVSTP là 1 trong 14 hành vi vi phạm quy định IUU.

"Giấy chứng nhận ATVSTP được cấp 3 năm 1 lần. Tùy điều kiện tàu cá mà chi cục kiểm tra định kỳ, ví dụ tàu hạng A thì 1,5 năm sẽ kiểm tra lại, hạng B thì 1 năm. Kiểm tra thì đâu có gì khó đối với ngư dân. Quan trọng là có triển khai, có chịu làm hay không thôi" - ông nhận định.

Để tạo điều kiện cho ngư dân, Chi cục Thủy sản Phú Yên kiểm tra giấy chứng nhận ATVSTP cùng với việc kiểm tra đăng kiểm chứ không kiểm tra theo từng chuyến biển.

Cũng theo ông Minh, việc doanh nghiệp thu mua hải sản để xuất khẩu yêu cầu có giấy chứng nhận ATVSTP là hợp lý. "Doanh nghiệp cũng cần biết rõ tàu cá họ thu mua hải sản có bảo đảm ATVSTP hay không. Nếu doanh nghiệp thu mua mà hải sản không có giấy chứng nhận ATVSTP thì rõ ràng hồ sơ, thủ tục khi xuất khẩu cũng sẽ gặp khó, không được thông quan. Vì vậy, ngư dân nên thông cảm mà đáp ứng yêu cầu đó" - ông Minh nói. 

“Chứng nhận ATVSTP đối với tàu cá là việc cần thiết để hải sản khai thác của Việt Nam có thể xuất khẩu sang nước ngoài".

Ông NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên

 

Rời cảng phải có giấy ATVSTP

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết trước việc nhiều tàu cá khai thác khơi ở tỉnh này chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào kiểm tra. Ngày 9-11, bộ đã ra thông tư hướng dẫn bổ sung. Theo đó, bắt đầu từ ngày 25-12, khi rời cảng để khai thác, các tàu đánh bắt xa bờ phải có giấy chứng nhận ATVSTP.

Ngày 10-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản về việc triển khai công tác IUU - cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Văn bản này yêu cầu đến hết năm 2020, nếu tàu cá không có giấy chứng nhận ATVSTP sẽ bị xử lý.

(Theo NLĐ)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục