Quảng Ngãi: Nỗi lo “chảy máu” nguồn nguyên liệu thủy sản

Mặc dù là tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn với khoảng gần 5.600 tàu được đăng ký, đăng kiểm, trong đó có khoảng 60% là tàu đánh bắt xa bờ, có công suất lớn trên 90CV; lượng hải sản đánh bắt được năm 2017 đạt 185.000 tấn, tuy nhiên chỉ 17.000 tấn, chiếm chưa đến 10% được bán trong tỉnh khiến ngành chế biến thủy sản tại địa phương gặp khó.

Hơn 90% nguồn lợi thủy sản tiêu thụ ngoại tỉnh

Ông Đặng Ngọc Tú, đại diện chi nhánh Công ty TNHH Thanh An tại Quảng Ngãi cho biết: Công ty Thanh An có địa chỉ chính ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2015, qua nắm bắt thị trường, được biết Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có lượng hải sản khai thác được khá lớn. Vì vậy, doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu tại KCN Quảng Phú, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, nguồn nguyên liệu trên địa bàn thường không đủ cung cấp, phải mua, gom từ các tỉnh lân cận, khiến nhà máy không thể hoạt động tối đa công suất, nhiều khi gặp khó với các đối tác do chậm đơn hàng.

Đại diện Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Surimi, có địa chỉ tại xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi cũng lo lắng: từ đầu năm 2018 đến nay, công ty cũng chưa chạy được hết công suất do khan hiếm nguồn nguyên liệu. Nhiều khi doanh nghiệp phải nhập nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác nên gặp khá nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất.

Theo số liệu thống kê, đến hết quý I/2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng gần 5.600 tàu đánh bắt hải sản, trong đó các tàu có công suất lớn trên 90CV, thường xuyên đánh bắt xa bờ chiếm khoảng 60%. Tổng lượng thủy sản được khai thác trên địa bàn năm 2017 đạt trên 185.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 17.000 tấn trong số đó được tiêu thụ trong nội tỉnh khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại địa phương lao đao, việc phát triển ngành chế biến thủy sản cũng đang gặp khó.

Lượng cá về các cảng tại Quảng Ngãi với số lượng rất ít

Lượng cá về các cảng tại Quảng Ngãi với số lượng rất ít

Đi tìm nguyên nhân

Qua tìm hiểu, nhiều chủ tàu cho biết: nguyên nhân chính khiến tàu không cập cảng tại Quảng Ngãi là do hệ thống cảng cá tại đây đã xuống cấp, các luồng lạch cũng như nơi neo đậu tàu thuyền đã bị bồi lấp nhưng không được quan tâm đầu tư khiến nhiều tàu cá “ngại” không muốn trở về sân nhà. Đơn cử như cuối tháng 11/2017, tàu cá QNg 90541- TS của ngư dân Phạm Ngọc Anh, trú tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, do bị mắc cạn, không thể vào cảng Sa Cần để neo đậu nên đã bị sóng đánh chìm tàu cùng hơn 30 tấn mực, thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

Thêm nữa, hiện nay hậu cần nghề cá trên biển phát triển khá mạnh, nhiều tàu tại một số địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành Hóa, Đà Nẵng đã ra tận ngư trường đánh bắt để thu mua hải sản tại chỗ. Chủ tàu cá QNg 97507- TS, Nguyễn Văn Nhịp, trú tại xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi cho biết: Việc bán hải sản tại chỗ sẽ giảm được chi phí bảo quản, lại giúp ngư dân bám biển được dài ngày hơn nên rất nhiều chủ tàu đã chọn phương án bán tại chỗ chứ không về cảng. “Tuy nhiên, các tàu thu mua đều là các tàu từ tỉnh khác chứ chưa thấy tàu thu mua từ Quảng Ngãi”- ông Nhịp khẳng định. 

Theo ông Nguyễn Bữu Gioãn- Phó giám đốc BQL các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi: hiện số lượng tàu thuyền đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn toàn tỉnh rơi vào khoảng gần 5.600 chiếc, trong khi năng lực thiết kế cho các tàu thuyền neo đậu tại các cảng do đơn vị quản lý chỉ được khoảng 1.750 chiếc nên việc tiếp nhận nguyên liệu hải sản từ các tàu cá về để tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dịch  vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng được so với nhu cầu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát nguồn thu từ hải sản.

Công nhân Công ty TNHH Thanh An không đủ nguyên liệu để sản xuất

Công nhân Công ty TNHH Thanh An không đủ nguyên liệu để sản xuất

Cần đầu tư xứng tầm

Mặc dù hiện nay Quảng Ngãi có đến 5 cảng cá, neo trú tàu thuyền là Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Lý Sơn, Mỹ Á, Tịnh Hòa. Dù vậy, qua quá trình khai thác, sử dụng thì hầu hết các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi việc bố trí kinh phí đầu tư rất hạn hẹp.

Theo Phó giám đốc BQL cảng cá Nguyễn Bữu Gioãn, hiện luồng vào các cảng cá: Sa Huỳnh, Mỹ Á đang bị bồi lấp, rất cần nguồn kinh phí để khơi thông. Tuy nhiên, trong năm 2017, tỉnh chỉ bố trí được 698 triệu đồng để thông luồng cảng cá Sa Huỳnh. Với kinh phí đó, chỉ thực hiện được khoảng 453m trên tổng số 1.950m luồng lạch cần được thông. Riêng cảng Mỹ Á mới chỉ đầu tư được giai đoạn 1, hiện vẫn chưa có hệ thống cấp điện, nước, nhà điều hành, hệ thống xử lý nước thải...

(Theo Báo TN&MT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục