“Arsen hiện nay có 2 dạng là arsen hữu cơ và arsen vô cơ. Phía Masan phải nói rõ là arsen nào thay vì cứ mập mờ thông tin như vậy”.
Trò nước đôi?
Trong khi người tiêu dùng chưa hết hoang mang về thông tin 67% các loại nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định, thì mới đây 2 thương hiệu nước mắm công nghiệp đã tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố “đạt chuẩn an toàn thạch tín”.
Quảng cáo khẳng định: “Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn”.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ và thực phẩm - Đại học BK Hà Nội đặt nghi vấn về thời điểm công bố mẫu quảng cáo mới của thương hiệu nói trên.
Theo PGS.TS Thịnh,có một sự trùng hợp giữa quảng cáo mới này với các công bố nước mắm có chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng. Ở Việt Nam cũng có một số vụ như vậy. Khi tuyên truyền cho sản phẩm này thì bài xích sản phẩm kia. Thông điệp quảng cáo được đưa ra sau đó thì ngược lại hoàn toàn với những thông tin cũ để dành thị phần.
''Tôi cho rằng để khẳng định chính xác thì việc này các cơ quan chức năng cần vào cuộc thẩm định và đưa ra kết luận chính xác”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Với thông điệp “đạt chuẩn an toàn thạch tín”, vị chuyên gia dinh dưỡng khẳng định đây lại là một tuyên bố không rõ ràng.
“Arsen hiện nay có 2 dạng là arsen hữu cơ và arsen vô cơ. Ai làm nước mắm từ cá cũng đều có asren hữu cơ và không hề độc hại với sức khỏe con người. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là arsen vô cơ, đồng nghĩa với thạch tín. Phía Masan phải nói rõ là arsen nào thay vì cứ mập mờ như vậy”, PGS.TS Thịnh chỉ rõ.
Cùng đưa ra ý kiến, chuyên gia Vũ Thế Thành, Thạc sĩ Quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) khẳng định, trong cá có arsenic. Nước mắm làm từ cá, thì chắc chắn nước mắm phải có arsenic. Nước mắm làm với tỉ lệ cá cao, nước cốt, nước nhất, nước nhì, nhiều cá, thì phải nhiều arsenic. Còn nước mắm công nghiệp lấy nước mắm thiệt pha loãng (loãng tới cỡ nào thì không thể biết được) thì lượng arsenic phải thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với nước mắm truyền thống.
“Nhưng tôi phải nói, arsenic trong nước mắm là arsenobetaine, một loại arsenic hữu cơ được xem là không độc hại. Điều này khoa học khẳng định rồi”, ông Thành khẳng định.
Theo Ths Thành, một trong những nguyên liệu cần phải có để tạo ra các sản phẩm nước mắm công nghiệp đó là nước mắm thật, dùng để pha loãng.
“Pha loãng tới cỡ không còn dò ra được arsenic tổng nữa thì phải xem đó là “nước mắm hóa chất”, chỉ có hương vị màu mùi đều là hàng nhân tạo cả'' - vị chuyên gia lưu ý.
Trả lại tên cho nước mắm
Trong khi đó, vấn đề được PGS.TS Đặng Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đặt ra sau thông điệp quảng cáo mới của Masan đó là phải làm rõ khái niệm nước mắm và nước chấm.
Theo PGS.TS Côn, không để đánh đồng 2 loại sản phẩm này với nhau mà cần phải có những quy định rõ ràng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin lựa chọn.
“Nước mắm công nghiệp được tạo thành dựa trên cơ sở pha các loại hoá chất khác nhau để thành loại nước chấm hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Khi ăn nước mắm công nghiệp sẽ cảm thấy ngon, không cần thêm, bớt gì cả.
Còn nước nắm thì bắt buộc phải làm từ cá hoặc tôm, ủ lên men rồi lấy nước cốt. Nước mắm từ hàng nghìn năm nay người ta gọi như vậy rồi.
Loại nước không làm từ những nguyên liệu trên thì không thể gọi là nước mắm mà chỉ được phép gọi là nước chấm. Cho nên không thể lấy nước chấm so sánh với nước mắm”, PGS.TS Côn nhấn mạnh.
Cùng đưa ra nhận định, chuyên gia Vũ Thế Thành khẳng định, tiêu chuẩn Việt Nam xem nước mắm là loại nước chấm làm từ cá và muối (lên men), và có thể thêm hóa chất vào. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp lấy nước mắm truyền thống rồi đem pha loãng. Với cách làm này, thì sẽ thu được nhiều lợi nhuận, dư tiền quảng cáo, làm PR, marketing…
“Muốn trả lại tên thật cho nước mắm thì phải sửa lại tiêu chuẩn. Nước mắm truyền thống chỉ chiếm 25% thị phần. Và với kiểu marketing “hiện đại” của nước mắm công nghiệp thế này, chỉ cần vài “nhát” theo kiểu arsenic nữa, thì không khéo nước mắm truyền thống sẽ mai một. Để mất đi một sản phẩm truyền thống thì rất khổ tâm”, Ths Thành nêu quan điểm.
Hoàng Nam (Báo Đất Việt)