Phát triển nghề nuôi hàu Thái Bình Dương: Ngư dân và doanh nghiệp cùng bắt tay

Sau 6 năm liên tục thất bại với nghề nuôi hàu tự nhiên, đầu năm 2017, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) quyết định chuyển sang nuôi 15.000 hàu giống Thái Bình Dương. Hình thức nuôi này, con giống được cấy sẵn lên các giá thể (vỏ) hàu, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên năng suất, sản lượng ổn định. Mặt khác, hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 5-6 tháng nuôi là thu hoạch, có khả năng thích ứng tốt tại vùng nuôi, đồng thời không gây ô nhiễm cho môi trường. Lứa hàu đầu tiên cho thu hoạch hơn 3 tấn, giá bán từ 20-22 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị còn lãi hơn 30 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi giống hàu Thái Bình Dương, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Long Sơn cũng đang từng bước chuyển hướng sang nuôi loại này. Anh Dương Văn Hùng, tổ 12, thôn 5, xã Long Sơn là một ví dụ. Do nuôi các loại cá như bớp, chim trắng liên tục bị chết hàng loạt, năm 2016, anh Hùng quyết định chuyển đổi 18 bè sang nuôi hàu Thái Bình Dương. Với 2 vụ nuôi, mỗi vụ 20.000 giá thể hàu, anh Hùng thu 4 tấn/vụ, trừ chi phí, còn lãi hơn 40 triệu đồng/vụ.

Theo anh Hùng, giống hàu Thái Bình Dương ít bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của môi trường nước như hàu tự nhiên. Khi gặp nước sông ô nhiễm thì hàu ngậm miệng lại, tự ăn sữa bên trong vỏ. Do không tiếp xúc nhiều với nước ô nhiễm nên hàu không bị chết hàng loạt.

Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết hiện nay trên địa bàn xã có gần 40 hộ nuôi hàu Thái Bình Dương trên diện tích 26ha. Ông Bình cho biết: “Dù nuôi loại hàu này ban đầu chi phí đầu tư cao, cần nhiều lao động nhưng thu hoạch nhanh, giá bán ổn định nên nhiều người nuôi lồng bè tại xã Long Sơn đã chuyển sang nuôi loại hàu này”. Không riêng xã Long Sơn, một số khu vực nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn tỉnh cũng đã nuôi hàu Thái Bình Dương. Cụ thể như, tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) nuôi gần khu vực sông Cửa Lấp, xã Châu Pha (huyện Tân Thành) nuôi tại khu vực sông Thị Vải, tổng diện tích nuôi tại các khu vực này khoảng 40ha. Tuy nhiên, do vốn đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương lớn, nên nhiều người chưa có điều kiện để chuyển sang nuôi loài thủy sản này.

Để giải quyết khó khăn cho bà con ngư dân, thời gian gần đây, đã có một số DN liên kết với các hộ nuôi hàu Thái Bình Dương cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Nguyễn Cao Quý, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Bội Thu KP, DN đang cung cấp 3-4 triệu con giống hàu Thái Bình Dương/tháng cho người nuôi BR-VT, cho biết thị trường miền Nam đã bắt đầu ưa chuộng sản phẩm hàu Thái Bình Dương của BR-VT. Chỉ trong 3 năm, giá loại hàu thương phẩm này đã tăng từ 10 ngàn đồng/kg lên 20 ngàn đồng/kg. “Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn còn ngần ngại với giống hàu mới này do chi phí đầu tư lớn. Do đó, chúng tôi cung cấp giống trả chậm, người nuôi chỉ cần cam kết bán sản phẩm cho công ty. Nhờ vậy, người nuôi hàu giảm được chi phí ban đầu do không cần đầu tư vốn mua giống. Hiện tại xã Long Sơn, công ty tôi đang liên kết với hơn 15 hộ nuôi hàu với diện tích hơn 10ha”.

Theo chị Dương Thị Bé, người nuôi hàu tại thôn 4, xã Long Sơn, giá hàu thành phẩm trước đây phụ thuộc nhiều vào thương lái nên bấp bênh. Từ khi liên kết với DN, được DN cam kết thu mua hàu ổn định nên ngư dân rất yên tâm mở rộng vùng nuôi.

Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản được nuôi ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Canada. Đây là loài ăn lọc thụ động, kích thước chuẩn khoảng từ 8-15cm. Ở vùng nhiệt đới, tốc độ sinh trưởng của hàu rất nhanh và quá trình sinh trưởng diễn ra quanh năm. Thịt hàu có giá trị dinh dưỡng cao, giàu kẽm, chất béo thấp, không chứa cholesterol xấu, giảm nguy cơ tim mạch, tăng cường sinh lực cho nam giới, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Hiện nhu cầu về loại thực phẩm này trong và ngoài nước rất lớn.

(Theo báo BR- VT) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục