Nuôi cua Thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo - hướng nuôi mới cho nông dân Bình Chánh
Huyện Bình Chánh, TP.HCM có trên 250km hệ thống sông, kênh, rạch, và có nhiều nguồn nước, vùng nuôi khác nhau thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nhất là một số loài thủy đặc sản (nuôi tôm càng xanh, tôm sú, cua thương phẩm).Tại các xã Đa Phước, Phong Phú và xã Qui Đức có gần 100ha diện tích mặt nước lợ được cung cấp bởi nguồn nước từ sông Xoài Rạp nên có độ mặn khá phù hợp cho việc nuôi tôm Sú, tôm Thẻ, Cua…
Trong những năm gần đây nghề nuôi trồng thủy sản tại huyện Bình Chánh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nhiều cho nghề nuôi. Hiện nay bà con nông dân chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi xây dựng mô hình mới mà chỉ tập trung vào các đối tượng nuôi truyền thống và dựa vào khai thác con giống tự nhiên nên hiệu quả kinh tế còn rất thấp. Vì vậy để giúp bà con trên địa bàn huyện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi có hiệu quả trong năm 2016 Trạm Khuyến Nông Bình Chánh – Bình Tân đã cho triển khai 2 mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Phong Phú và Đa Phước.
Là 1 trong những hộ tham gia mô hình nuôi cua thương phẩm và là người trực tiếp nuôi ông Ngô Ngọc Thành cư ngụ tại ấp 1 xã Phong Phú chia sẽ như sau: “Ông là hộ có thâm niên nuôi tôm khá lâu tại xã Phong Phú, qua nhiều năm nuôi ông nhận thấy con tôm là 1 đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, môi trường không thể chủ động được nên 2 năm gần đây với diện tích 2 ha ông chỉ thả thưa tôm sú với mật độ 10con/m2, với mô hình nuôi trên thì không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ ông. Vào đầu tháng 3 năm 2016 khi ông được biết trạm Khuyến Nông Bình Chánh có đầu tư cho bà con mô hình nuôi cua thương phẩm bằng con giống nhân tạo nên ông đã mạnh dạn đăng kí tham gia.
Ban đầu sau khi thả cua giống mặc dù đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nhưng do lần đầu nuôi ông không khỏi lo lắng nên đã đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ nuôi cua của các xã lân cận. Qua tháng thứ 2 của vụ nuôi ông cho đặt thử 1”bung” cua thấy cua vào đầy bung ông rất vui mừng nên đã vội vàng dựng chòi gần ao cua để dễ dàng chăm sóc. Sau 4 tháng nuôi, ông nhận thấy cua phát triển tốt đạt kích cỡ trung bình 3 – 4 con/kg với giá bán 200.000đ/kg nên dự kiến hiệu quả kinh tế đạt được sẽ khá cao”.
Vào ngày hội thảo tổng kết mô hình ông có đem cua của nhà mình đến cho bà con xem và truyền đạt lại cho bà con nông dân đến tham gia kinh nghiệm nuôi cua nhân tạo lần đầu của mình và nhận xét mô hình nuôi rất hiệu quả đối với những hộ nuôi tôm và hộ muốn chuyển đổi vật nuôi mới, con cua sinh sản nhân tạo giúp bà con chủ động hơn trong khâu thả giống vì con giống thiên nhiên ngày một khan hiếm và kích cỡ không đồng đều nên khi thả xuống ao sẽ dễ cắn giết lẫn nhau ảnh hưởng đến tỷ lệ sống; Ngoài ra, khi chăm sóc con cua nhân tạo cũng ít tốn công hơn vì cua đều nên sẽ ít ăn lẫn nhau khi cua thiếu thức ăn thì có thể kết hợp cho ăn thức ăn công nghiệp và 1 ít cá tạp (có thể kiếm dễ dàng từ các chợ đầu mối). Về đầu ra của sản phẩm cũng khá dễ dàng mỗi ngày đặt được bao nhiêu cua cũng có thể đem ra chợ bán dễ dàng không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít nên bà con có thể an tâm vể tính hiệu quả của mô hình.