Nuôi cá lồng trên sông

Người xưa có câu “nhất cận thị, nhị cận giang”, nhiều địa phương trong tỉnh Phú Thọ đang phát huy thế mạnh đó để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Thủy đã khai thác lợi thế các con sông lớn là Đà, Lô, Bứa để phát triển nghề nuôi cá lồng.

 Nuôi cá lồng đã trở thành hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, mở ra hướng thoát nghèo và làm giàu cho nhiều hộ dân ở địa phương. Trong điều kiện nuôi cá trong lồng bè, công tác chăm sóc, quản lý tốt hơn cho nên tỷ lệ sống cao hơn, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng thịt cá nuôi lồng bè thơm ngon, săn chắc, giá bán cao hơn nuôi trong ao hoặc bể từ 1,2 đến 1,5 lần. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.300 lồng cá, chiếm phần lớn tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng cao hơn nhiều so với các mô hình nuôi cá truyền thống như trắm cỏ, cá chép, cá rô phi vằn trước đây. Điều quan trọng hơn là mô hình này đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; bước đầu tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng thủy sản, tận dụng tiềm năng diện tích mặt nước, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Thanh Thủy là địa phương phát triển nhanh nghề nuôi cá lồng, nếu như năm 2014, toàn huyện có gần 80 lồng cá thì nay đã tăng lên trên 300 lồng và có xu hướng tiếp tục tăng. 2 năm gần đây, trên sông Đà đoạn chảy qua xã Xuân Lộc, từ những lồng cá ban đầu, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Anh Đặng Văn Luyện, xã Xuân Lộc cho biết: Dòng sông Đà chảy qua địa bàn có môi trường nước tốt, rất phù hợp với việc chăn nuôi cá lồng. Năm 2014, gia đình đầu tư hai lồng cá, nuôi chủ yếu là giống cá truyền thống, cho nên thu nhập thấp, mỗi lồng chỉ đạt 20 triệu đồng. Đến năm 2015, được Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một phần chi phí và con giống, gia đình đã đầu tư thêm 18 lồng cá, nâng tổng số lên 20 lồng. Tôi cũng chuyển hướng sang nuôi các giống cá đặc sản như lăng chấm, trắm đen, chép giòn, diêu hồng… Mỗi năm ước tính thu về vài trăm triệu đồng.

Anh Luyện chỉ là một trong gần 100 cơ sở nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy việc phát triển nuôi cá lồng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Người chăn nuôi thủy sản ở các xã Tề Lễ, Quang Húc, Hùng Đô của huyện Tam Nông không thể quên trận lũ trên sông Bứa năm 2014 khiến nhiều gia đình nuôi cá lồng trắng tay. Vậy là không chỉ lo phòng ngừa dịch bệnh, người nuôi cá lồng còn phải đối mặt với nguy cơ thiên tai bão lũ. Ngoài ra, nuôi cá lồng cần vốn rất lớn (khoảng 200 triệu đồng/lồng/chu kỳ nuôi), giá cả thức ăn thủy sản luôn có xu hướng tăng nên rất khó khăn trong việc giảm giá thành sản phẩm; khâu tiêu thụ phụ chủ yếu phụ thuộc hệ thống thương lái, giá trị còn nằm nhiều ở khâu trung gian…

Nhằm phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng như: Hỗ trợ kinh phí triển khai 3 dự án phát triển cá lồng theo hướng cận đô thị tại huyện Đoan Hùng, Thanh Thủy, Tam Nông; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 14-12-2014 về chính sách hỗ trợ phát triển cá lồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 14-12-2014 về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cá lồng. Để đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chi tiết nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa giai đoạn 2015 - 2020; ban hành thủ tục hành chính đăng ký chứng nhận bè cá. Lập hồ sơ và cấp mã số 100% số lồng nuôi trên địa bàn phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Một trong những biện pháp mà ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai là phát triển nuôi cá lồng theo hướng liên kết, tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm để đạt 100% cơ sở nuôi cá lồng được chứng nhận điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng được hai thương hiệu chất lượng, uy tín là “Cá sông Đà” và “Cá sông Lô” trong thời gian tới. Đến nay, nhiều hộ nuôi cá lồng cũng đã liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi cá lồng. Việc làm này cơ bản đã giải quyết được một số khó khăn trong khâu nhập giống, nhập thức ăn cho cá, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Đây cũng là hướng phát triển tất yếu của nghề nuôi cá lồng để tạo sự phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo hiệu quả bền vững nghề nuôi cá lồng, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người nuôi áp dụng các quy trình, quy chuẩn, chứng nhận an toàn thực phẩm nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, trao đổi chia sẻ thông tin thị trường giữa các tỉnh, doanh nghiệp, người nuôi nhằm giúp người nuôi mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Báo Phú Thọ

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục