Ngư dân Bình Định xuất quân khai thác hải sản

Hàng chục tàu cá với hàng trăm ngư dân ở các làng biển huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tưng bừng ra khơi khai thác hải sản có trách nhiệm gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc lớn nhất cả nước.

Chiều 7/3, tại cửa biển Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), UBND huyện này đã tổ chức lễ phát động ra quân khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản năm 2018 cho ngư dân trong huyện theo nghi thức truyền thống của ngư dân vùng biển. Hàng chục tàu cá đánh bắt xa bờ với hàng trăm ngư dân đồng loạt xuất bến ra khơi ngay sau lễ ra quân.

Theo các ngư dân địa phương, lễ xuất quân khai thác hải sản đầu năm với hi vọng chuyến biển đầu năm thuận buồm xuôi gió, khai thác đạt hiệu quả. Theo đó, các ngư dân địa phương sẽ chọn ra các tàu cá làm ăn hiệu quả nhất trong một năm. Trong đó, chọn ra một chủ tàu làm ăn hiệu quả nhất trong nhiều năm dẫn đầu để làm lễ xuất hành vươn khơi khai thác hải sản.

Lão ngư Văn Chiến (76 tuổi, thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), nói: “Bản thân tôi đi biển từ khi 12 tuổi, ông bà ta có kiêng có lành nên lễ xuất quân trở thành truyền thống của ngư dân. Trước đây, khi Liên minh châu Âu chưa có quy định thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam cũng có thời điểm tàu tôi khai thác ở nước bạn. Nhưng nay, để không bị phạt thẻ đỏ và để họ rút lại thẻ vàng, chúng tôi luôn vận động ngư dân trong thôn, xã không được xâm phạm lãnh hải của nước ngoài. Không những vậy, mà còn phải bảo vệ các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học trên biển. Có như vậy, ngư dân mới có thể sống với biển bền vững được”.

Lãnh đạo huyện Hoài Nhơn tặng cờ Tổ quốc cho đại diện 6 xã ven biển.

 Lãnh đạo huyện Hoài Nhơn tặng cờ Tổ quốc cho đại diện 6 xã ven biển.

Theo Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có hơn 23km bờ biển, 6 xã ven biển, 2.354 tàu thuyền với tổng công suất hơn 1,1 triệu CV, trong đó có 1.250 tàu trên 90CV đánh bắt xa bờ.

Mỗi ngày, có khoảng hơn 400 tàu thuyền với 3.500 lao động hoạt động trải dài trên các vùng biển ở thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và thềm lục địa phía Nam. Mỗi năm, ngư dân Hoài Nhơn khai thác từ 42.000 – 46.000 tấn hải sản các loại, trong đó hơn 9.000 tấn cá ngừ đại dương. Năm 2018, kế hoạch của huyện sẽ khai thác 42.000 tấn hải sản, trong đó có 9.000 tấn cá ngừ đại dương.

Hoài Nhơn là huyện đóng góp lực lượng tàu thuyền và ngư dân hiện diện trên vùng biển khơi, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc lớn nhất cả nước.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương tặng quà cho ngư dân nghèo.

 Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương tặng quà cho ngư dân nghèo.

“Bước vào vụ khai thác hải sản mới, huyện đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, giúp ngư dân không xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Năm 2017, tỉ lệ xâm phạm của ngư dân trong huyện giảm hơn 50% so với năm 2016. Riêng năm 2018, huyện phấn đấu không có trường hợp ngư dân trong huyện xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Huyện cũng đề ra định hướng cho mùa khai thác năm 2018 là một mùa khai thác có trách nhiệm. Ngư dân phải đảm bảo trách nhiệm của mình đối với sản phẩm khai thác được. Đó là phải có xuất xứ nguồn gốc vùng biển theo nhật trình đi biển và tuyệt đối không xâm phạm lãnh hải nước ngoài”, ông Công cho hay.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTTN Bình Định, toàn tỉnh có khoảng hơn 6.400 tàu cá, trong đó có trên 3.700 tàu có công suất trên 90CV khai thác xa bờ với khoảng hơn 44.000 lao động thường xuyên hành nghề khai thác trên biển. Năm 2017, sản lượng khai thác đạt 223.000 tấn, tăng 21% so với kế hoạch (183.900 tấn); riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt 9.700 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ (9.210 tấn).

Các chiến sĩ biên phòng và các em học sinh thả tôm thẻ post cá chẽm giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản địa phương.

 Các chiến sĩ biên phòng và các em học sinh thả tôm thẻ post cá chẽm giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản địa phương.

“Để tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác thủy sản và đảm bảo an toàn trong sản xuất tôi đề nghị các chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải tổ chức sản xuất theo tổ, đội để hỗ trợ nhau trên biển và không vi phạm đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác đầy đủ, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình; bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với các trạm bờ…”, ông Phúc nói.

Nhân dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cùng Huyện ủy, UBND huyện Hoài Nhơn đã thả 100.000 con tôm thẻ post và 1.000 con cá chẽm giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản địa phương.

Các chiến sĩ biên phòng và các em học sinh thả tôm thẻ post cá chẽm giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản địa phương.

 Các chiến sĩ biên phòng và các em học sinh thả tôm thẻ post cá chẽm giống xuống biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản địa phương.

(Theo Dân Trí)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục