Trong ngày đầu năm mới, nhiều tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu, Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) liên tiếp về cập cảng trong niềm vui được mùa khai thác hải sản. Đây là tín hiệu vui cho bà con vùng biển quyết tâm vươn khơi, bám biển.
Lộc biển đầu năm
Có mặt tại cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận trong ngày đầu năm mới, nhiều phương tiện đi lại tấp nập, thu mua hải sản dưới những con tàu vừa mới từ biển trở về. Ngư dân Trần Lợi ở thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long đang vận chuyển hải sản lên bờ vui mừng cho biết, tàu cá của chúng tôi vừa cập cảng sau 7 ngày hoạt động khai thác trên biển, chuyến đi này anh em quyết tâm đánh bắt được nhiều hải sản, lấy lộc biển đầu năm mang về may mắn cho cả năm. Đúng như mong muốn, tàu của chúng tôi về cập cảng đầy ắp cá, mực trong khoang với sản lượng đạt gần 20 tấn; với giá bán từ 100- 150 nghìn đồng/ kg, trừ chi phí, mỗi thuyền viên có thu nhập 10 - 15 triệu đồng; riêng bản thân anh có cổ phần tàu thì mức thu nhập cao gấp đôi.
Không chỉ có tàu của ngư dân Trần Lợi mà còn nhiều tàu cá khác ở xã Quỳnh Long đều mang về nguồn thu nhập cao từ chuyến biển đầu năm. Với 174 phương tiện, chiếc đánh bắt được sản lượng ít nhất cũng 5-7 tấn, mang về 200- 300 triệu đồng; còn những chiếc tàu đánh bắt gặp may thì đạt từ 10-20 tấn cá; đặc biệt có nhiều chiếc chỉ đánh bắt trong một đêm đã thu về hơn 500 triệu đồng.
Ngư dân Phạm Văn Phú ở xã Tiến Thủy cho biết, tàu cá của ông với công suất 420 CV, chuyên hành nghề chụp 4 sào, đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Sau gần 10 ngày lênh đênh trên biển, tàu của tôi đánh bắt cá đầy khoang và hôm nay (mùng 1 Tết) đã vào bờ và tổ chức bốc dỡ cá lên bờ. Chuyến biển này chúng tôi đánh bắt được khoảng 3 tấn cá thu, 10 tấn cá bạc má, cá đốm. Với giá cá thu 100 nghìn - 120 nghìn đồng/kg, cá hố 90- 100 nghìn đồng/kg; cá bạc má 30-40 nghìn đồng/kg; trừ phí tổn còn lãi gần 150 triệu đồng. Mặc dù đón Tết trên biển, xa gia đình nhưng bù lại chuyến biển này trúng đậm nên anh em rất phấn khởi.
Cũng như ở Quỳnh Lưu và nhiều nơi khác, nghề biển chưa bao giờ nhiều thách thức và khó khăn như năm 2016 đối với ngư dân Hoàng Mai. Thế nhưng với sự năng động, tinh thần vượt khó, ngư dân nơi đây đã vượt qua. Ngày đầu năm 2017, từng đoàn thuyền lần lượt cập bến cá lạch Cờn. Bắc bến lạch Cờn là hàng trăm tàu vừa trở về từ ngư trường vịnh Bắc Bộ, mỗi tàu chở hàng chục tấn cá cơm.
Tàu NA 98 288 TS vừa cập bến. Anh em thuyền viên hối hả chuyển cá lên bờ. Đón những khay cá trắng tinh, lấp lánh là các mẹ, các chị người nhà thuyền viên và thương lái. Đối với người vùng biển, mỗi chuyến ra khơi cập bến an toàn đã là hạnh phúc, cộng với chiếc tàu ăm ắp cá nữa thì niềm vui, hạnh phúc nhân lên hàng trăm lần.
Anh Đức, tàu trưởng cho biết, chuyến này ra khơi 8 ngày, khai thác được 24 tấn, trong đó 20 tấn cá trỏng, 4 tấn cá tạp. Tổng thu trên 250 triệu đồng, trừ chi phí và phần nhà nghề, mỗi lao động cho thu nhập 5 triệu đồng.
Bờ Nam bến lạch Cờn là địa phận phường Quỳnh Phương. Hàng trăm chiếc thuyền vừa trở về sau chuyến biển dài ngày. Không khí mua bán tấp nập từ khi chưa tỏ mặt người. Cả vài cây số chiều dài bến cá trở nên náo nhiệt. Một sự ồn ào đến bình yên và cho ta cảm giác no đủ khi mùa màng thắng lợi. Nào cá mú, cá thu, cá lưỡng rùi, mực ống, sam, ghẹ, cá dưa, tôm… Đây là những sản vật có mặt trong 65% sản lượng hải sản xuất khẩu hàng năm ở Quỳnh Phương trong nhiều năm qua.
Ngư dân Quỳnh Phương nổi tiếng đa ngành, đa nghề, mỗi phương tiện khai thác có ít nhất 4 nghề lưới. Vì vậy mà họ dễ xoay trở khi có những biến động về ngư trường khai thác và thị trường tiêu thụ. Lão ngư Nguyễn Văn Long, khối Ái Quốc vừa luôn tay cùng anh em vận chuyển cá lên bờ, vừa cho chúng tôi biết: “Cuối năm trời càng gió, thì nghề làm ăn của anh em chúng tôi càng thuận lợi. Chuyến này đi 10 ngày cũng đạt 5 tấn, vừa cá lưỡng rùi, cá dưa, cá mú. Trừ chi phí mỗi lao động cũng được 5 đến 6 triệu đồng”.
Còn những “hậu phương” trên bờ như chị Thắm, chị Phương, mẹ Hiền, mẹ Sơn thì không có niềm vui nào hơn khi vừa đón người thân về với rất nhiều lộc biển: “Chuyến biển ni như ri là cũng được cá. Các ông đi tàu khó nhọc thì chị em trên bờ cũng hỗ trợ. Vận chuyển, bốc vác ở bến mỗi tháng cũng có thu nhập 4 – 5 triệu đồng. Nói chung là đầu năm, mà tàu được đều đều thì ai cũng vui, phấn khởi.”
Tạm biệt những ngư dân ở hai bên bờ bến lạch Cờn trong ngày đầu năm mới 2017, chúng tôi ngược lên phường Quỳnh Dị, là trung tâm của thị xã Hoàng Mai. Dọc con đường 537B từ cầu đền Cờn đến khu vực khu hành chính thị xã, công nhân các cơ sở chế biến bắt đầu chuyển những xe cá hấp ra để phơi trên hàng ngàn chiếc giá đỡ. Mùi cá biển tanh nồng. Đây là mùa chế biến nhộn nhịp nhất trong năm, mỗi cơ sở tạo việc làm cho từ 80 -100 lao động, làm việc theo ca suất ngày đêm.
Nằm cách đó 1 con đê là làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi. Ở đây, không khí sản xuất dịp đầu năm, chuẩn bị các sản phẩm phục vụ tết cổ truyền của dân tộc cũng vô cùng khẩn trương. Xe đến, xe đi “ăn” hàng liên tục. Những chuyến xe này, sẽ đưa những giọt nước mắm của ngư dân Hoàng Mai đến với người tiêu dùng khắp cả nước.
Hiệu quả từ "nghề vàng"
Nhìn lại một năm đánh bắt hải sản có thể khẳng định rằng, nghề này đang là thế mạnh của huyện, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương ven biển. Mặc dù trong năm 2016 xảy ra nhiều biến cố về môi trường 4 tỉnh miền trung, nhưng bà con ngư dân vùng biển Quỳnh lưu, Hoàng Mai vẫn kiên trì vươn khơi bám biển, thu về nguồn hải sản lớn.
Ông Nguyễn Đăng Tài, Phó Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Hoàng Mai khẳng định: “Năm vừa qua mặc dù bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển ở một số tỉnh miền Trung, nhưng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương vùng biển, cùng với sự kiên trì bám biển của ngư dân Hoàng Mai đã được ghi nhận. Sản lượng khai thác thuỷ sản trong năm là 33.000 tấn, đạt 110,40% kế hoạch của năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ, trong đó, riêng tháng cuối năm sản lượng đạt cao 3.800 tấn. Từ nguồn nguyên liệu này, các cơ sở đã chế biến được trên 13.500 tấn hải sản khô, 5,2 triệu lít nước mắm cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước, một sản lượng lớn hải sản được xuất khẩu tươi sống sang thị trường Lào và Trung Quốc. Tổng giá trị nghề cá đạt 750 tỷ đồng. Đời sống của bà con ngư dân được đảm bảo và nâng cao.”
Nghề biển phát triển ổn định, từ đó, bà con ngư dân đã chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu thuyền. Hiện nay, đội tàu 67 của thị xã Hoàng Mai đã có 28 chiếc được đóng, 19 tàu đã hạ thủy, trong đó có 16 tàu gỗ và 03 tàu vỏ sắt đều ra khơi khai thác có hiệu quả. Nâng tổng số đội tàu chinh phục ngư trường xa của Hoàng Mai gần 1.000 phương tiện, với khoảng 6.000 lao động trực tiếp trên biển, gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên bờ.
Còn tại Quỳnh Lưu, với trên 1.279 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 695 chiếc đánh bắt xa bờ trên 90CV nên sản lượng đánh bắt hàng năm toàn huyện đạt từ 59- 60 nghìn tấn/năm, tăng gần 9 nghìn tấn so với năm 2015; doanh thu đạt 1.631 tỷ đồng.
Thực hiện Nghi định 67 cho ngư dân vay vốn đóng tàu, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh phê duyệt 55 phương tiện, hiện nay toàn huyện đóng xong 20 chiếc tàu và đã vươn khơi khai thác, trong đó có 4 tàu vỏ thép. Bên cạnh việc đóng mới tàu thuyền theo NĐ 67, năm 2016 toàn huyện Quỳnh Lưu đóng mới 22 tàu ngoài NĐ 67 có công suất lớn từ 400 CV trở lên.
Cùng với phương tiện khai thác hiện đại, ngư dân đã chuyển đổi hình thức đánh bắt phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các địa phương như Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Long... ngoài sử dụng các hình thức đánh bắt truyền thống như nghề chụp 4 sào, 2 sào thì chủ yếu ngư dân đã tập trung chuyển đổi sang nghề lưới vây rút chì; nghề này được ví như “nghề vàng” trong số các nghề khai thác hải sản.
Với sự khởi đầu gặp nhiều may mắn trong những ngày năm mới và chuẩn bị tốt các điều kiện về phương tiện, ngư lưới cụ hiện đại, tin tưởng rằng, ngư dân các địa phương sẽ “thuận buồm, xuôi gió”, đánh bắt hiệu quả trong năm 2017.
Báo Nghệ An