Nam Định: Nuôi ngao bản địa theo hướng bền vững

Những năm qua, xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Huyện ủy Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011- 2015”, UBND huyện Giao Thủy xây dựng Đề án phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Kết quả, đến nay, toàn huyện đã quy hoạch và đưa 5.241ha bãi bồi ven biển vào nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi ngao chiếm gần 30%.

 Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ là vùng đất ngập nước có đa dạng sinh học cao, có các hệ sinh thái và các loài sinh vật tự nhiên rất đa dạng và độc đáo. Dựa trên những kết quả nghiên cứu, điều tra, đánh giá về đa dạng sinh học của VQG Xuân Thủy từ những năm giữa thế kỷ XX đến nay cho thấy, VQG Xuân Thủy có tồn tại loài ngao bản địa - tên địa phương thường gọi là ngao dầu. Loài ngao dầu thuộc họ ngao là lớp nhuyễn thể hai mảnh vỏ Bivalvia (một trong những loài có giá trị kinh tế cao). Tuy vậy, nhiều năm trước đây, nguồn lợi giống ngao bản địa ngày càng bị suy giảm là do một phần chịu những tác động của con người. Bên cạnh đó, do giống ngao trắng Bến Tre được người dân địa phương du nhập từ phía Nam về nuôi thương mại từ năm 1995.

Sau đó, ngao trắng được thuần hóa thích nghi dần với điều kiện sống tại khu vực VQG Xuân Thủy. Một số ngao trắng thoát ra ngoài và sinh sản trong tự nhiên. Việc mở rộng diện tích nuôi ngao trắng và giống ngao trắng xuất hiện ngoài tự nhiên đã làm biến động nơi cư trú, thu hẹp nơi phân bố và bãi giống của loài ngao bản địa; cạnh tranh thức ăn của loài ngao bản địa. Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của ngao trắng Bến Tre dẫn đến nguồn thức ăn của ngao giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng ngao thương phẩm (ngao ruột nhỏ và giảm độ ngọt tự nhiên). Hơn nữa sự thoái hóa loài ngao bản địa do di truyền qua lai tạp tự nhiên của các loài ngao cùng môi trường sống. Tất cả những điều này đã gây nên tác động xấu đối với các nguồn lợi ngao bản địa, dẫn đến sản lượng khai thác ngày càng suy giảm.

Với mục tiêu xây dựng Khu bảo tồn ngao bản địa nhằm lưu giữ, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi ngao bản địa, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia quản lý, đặc biệt là đối tượng người nông dân nhằm khai thác một cách hợp lý, bền vững tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài của cộng đồng địa phương. Ban quản lý VQG Xuân Thủy đã phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể để tuyên truyền và vận động nông dân phát triển nuôi ngao bản địa theo hướng bền vững. Hướng tuyên truyền tập trung vào việc vận động nông dân quản lý, sử dụng hợp lý nguồn lợi ngao giống tự nhiên theo mùa vụ, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi ngao truyền thống khu vực ven biển huyện Giao Thủy.

Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển giống ngao bản địa cũng nhằm tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ven biển; góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Ban quản lý VQG cũng đã thành lập Khu bảo tồn ngao bản địa tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia quản lý, khai thác một cách hợp lý, bền vững nguồn lợi ngao bản địa, qua đó làm tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương. Ngoài ra, Khu bảo tồn sẽ tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, Ban quản lý VQG cũng phối hợp với Hội Nông dân huyện Giao Thủy để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân ở các xã vùng đệm về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tài nguyên biển. Qua đó, gắn kết trách nhiệm, vai trò của người dân địa phương trong các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi ngao bản địa. Điển hình ở các xã như Giao Xuân, Giao Hải các hộ nuôi ngao tại HTX nuôi nhuyễn thể được tập huấn về phương pháp kỹ thuật nuôi ngao bản địa với mục đích là bảo vệ các loài thủy sản tự nhiên sẵn có tại Giao Thủy. Cùng với nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường, hướng dẫn người nuôi trồng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay tại 5 xã vùng đệm VQG Xuân Thủy, các hộ đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản một cách mạnh mẽ. Trong đó tại vùng nuôi trồng thủy sản xã Giao Thiện đã có hàng chục héc-ta đang áp dụng mô hình nuôi ngao giống, ngao ương trước khi đưa ra vùng đầm bãi nuôi ngao thương phẩm, dần tạo mô hình nuôi theo hướng bền vững. Một số địa phương có quy hoạch chi tiết vùng nuôi gắn với bảo vệ môi trường hạn chế sự khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên gần bờ. Từ những mô hình đã đạt được, huyện Giao Thủy đã có những quy định chi tiết xây dựng hành lang pháp lý trên khu vực nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm mọi hành vi đánh bắt mang tính hủy diệt, huy động sự vào cuộc của các cấp các ngành trong nuôi trồng thủy sản bảo vệ môi trường gắn với tạo việc làm tăng thu nhập cho những người dân ven biển.

(Báo Nam Định)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục