Để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Theo đó, Kế hoạch có mục đích nhằm chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, giảm số ổ dịch, giảm thiệt hại về kinh tế, phương châm lấy phòng bệnh là chính, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hồ, ao, đầm nhằm phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời không để các loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh. Đồng thời cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Tạo điều kiện để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tạo vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nuôi góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Về công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, Sở NN và PTNT (Chi cục Thú y) cần xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thú y thủy sản và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản về phòng chống dịch bệnh động vật thuỷ sản.
Đối với nội dung giám sát dịch bệnh động vật thuỷ sản, Sở NN và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thu mẫu giám sát dịch bệnh động vất thuỷ sản đối với các loài cá chép, cá trắm cỏ tại 11 vùng nuôi của 10 huyện, thành phố từ tháng 3 năm 2017. Các mầm bệnh cần xác định gồm: Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép và nhiều loài cá trong họ cá chép, cá mè trắng (bệnh vi rút mùa xuân) và bệnh do KHV (Koi Herpesvirus Disease). Lực lượng thú y huyện, thú y viên các xã, phường, thị trấn, cán bộ khuyến nông và nhất là người nuôi trồng thủy sản, tổ quản lý cộng đồng cần tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo về tình hình dịch bệnh cho các cơ quan chức năng, để có biện pháp xử lý.
Về vệ sinh cải tạo môi trường, cần khử trùng nước trong bể, ao; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất được phép sử dụng sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy động vật thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về kiểm dịch con giống, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch giống thủy sản bố, mẹ với cơ quan Thú y không quá 02 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống và phải thực hiện việc kiểm dịch con giống trước khi xuất bán. Bên cạnh đó, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong quá trình nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản theo hình thức công nghiệp, các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học cho thủy sản.
Về chống dịch, cần tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ, phải sử dụng các biện pháp phòng là chính; khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chuẩn đoán, chữa bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; giám sát, dự báo, cảnh bảo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh. Duy trì vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nuôi trồng thủy sản.
Fistenet