Điều kiện thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt đã đẩy các tỉnh ven biển ĐBSCL vào những khó khăn. Trong tình thế đó, các tỉnh đã “biến nguy cơ thành thời cơ” khi tận dụng lợi thế biển, đảo để phát triển.
Kiên Giang là tỉnh có vùng biển rộng, với gần 150 đảo. Đây được xem là lợi thế lớn của tỉnh này để thu hút đầu tư hướng ra biển - đảo. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng là địa phương có đội tàu đánh bắt lớn nhất khu vực.
Sức hút của các đảo du lịch
Theo Sở NN và PTNT Kiên Giang, tỉnh tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phương tiện khai thác đánh bắt được đầu tư tăng thêm với đoàn tàu cá hiện nay hơn 10.800 chiếc, công suất bình quân 245 CV/tàu, trong đó tàu cá đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt xa bờ 4.840 chiếc; sản lượng khai thác hằng năm 500.000 - 600.000 tấn hải sản.
Tăng đầu tư cho biển - đảo
Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, cho biết trong phát triển kinh tế biển, tỉnh hoàn thành các công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm kết hợp trồng lúa khu vực Vàm Răng - Ba Hòn, An Biên, An Minh, hệ thống kênh cấp 2 vùng ven biển Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng; cống sông Kiên, Kênh Cụt (TP. Rạch Giá); các công trình gia cố đê biển, tuyến đê biển An Biên - An Minh, kênh Chống Mỹ, kênh Xẻo Cạn, kè chống sạt lở khu vực Hà Tiên, Rạch Giá, An Minh,... Đầu tư phát triển hệ thống điện, nước nâng tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biển, hải đảo đạt 96% và sử dụng nước sạch 83%. Xây dựng 13 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biển đổi khí hậu trên địa bàn như: nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ.Thế Hạnh
Tiếp đến, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi nghêu, sò vùng bãi triều, nuôi cá nước lợ, sản xuất lâm - ngư kết hợp khu vực rừng ngập mặn, mô hình tôm - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu,... Sản lượng nuôi trồng thủy sản hơn 217.000 tấn/năm, trong đó năm 2017 đạt trên 60.000 tấn tôm, phục vụ tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 160 triệu USD.
Cùng với đó, Kiên Giang đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vùng ven biển và hải đảo. Sản phẩm du lịch Kiên Giang đa dạng, phong phú về du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh. Một số nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa du lịch, quà lưu niệm phục vụ du khách mang nét đặc trưng của vùng đất Kiên Giang. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Kiên Giang thu hút hơn 3,1 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch, bằng 44,6% kế hoạch, tăng 28,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt du lịch Phú Quốc, với nhiều dự án, công trình quan trọng trên đảo ngọc này được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước,... Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, cho biết đến nay thu hút 278 dự án đầu tư, phần lớn là lĩnh vực du lịch, với diện tích quy hoạch 10.767 ha, tổng vốn hơn 361.000 tỉ đồng, trong đó có 34 dự án đi vào hoạt động. Nhiều công trình dự án lớn đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả, tạo điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc như: Khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm,...
Kết nối kinh tế - hạ tầng ven biển
Ngư dân Cà Mau nuôi cá bốp trên biển khu vực Hòn Chuối - Ảnh: N.Hùng
Biến nguy cơ thành thời cơ
Còn ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết Sóc Trăng đã xác định phát triển kinh tế vùng biển là ưu tiên trong chiến lược phát triển, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển, vùng ven biển tăng bình quân 10-11%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản phẩm của vùng biển có mức độ đóng góp từ 34-35% tổng sản phẩm toàn tỉnh; tổng sản lượng thủy hải sản đạt 166.500 tấn, trong đó khai thác biển là 70.500 tấn.
Với lợi thế giáp biển, vùng ven biển của Sóc Trăng có diện tích tự nhiên 118.688ha, trong đó phần bãi bồi rộng trên 25.000ha được phù sa bồi đắp mỗi năm. Thêm vào đó, Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72km và ba cửa sông lớn tiếp giáp biển là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh. Đây là điều kiện tự nhiên giúp Sóc Trăng luôn có nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú để phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản. "Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt các địa phương ĐBSCL trước những thách mới, nhưng nếu biết cách biến cái bất lợi thành có lợi, vẫn tạo ra giá trị cao, đặc biệt vùng ven biển", ông Quyết nói.
Trong khi đó, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Cà Mau cho biết hiện tại đang tập trung triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế (KKT) Năm Căn (thuộc huyện Năm Căn). Trong đó, hạng mục quan trọng đang thi công là tuyến đường trục chính Đông - Tây. Đây là tuyến đường trục chính quan trọng nhất của KKT Năm Căn, kết nối giao thông giữa các mạng lưới đường nội bộ với tuyến giao thông đối ngoại. Còn tuyến đường trục chính Bắc - Nam với điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 1A), điểm cuối nằm trên tuyến đường đê biển Đông, tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất và tạo động lực phát triển Khu kinh tế Năm Căn.
Ngoài KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau cũng đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm kinh tế hướng ra biển như: Năm Căn, Sông Ðốc, Cái Ðôi Vàm... Ðồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng những khu vực trọng điểm vùng ven biển, kết nối các tuyến đường ven biển với vùng nội địa. Đẩy mạnh phát triển một số ngành nghề như khai thác, nuôi trồng và dịch vụ biển - đảo, ưu tiên xây dựng hạ tầng vùng ven biển.
(Theo báo Tuổi trẻ)