Thời gian qua, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã triển khai xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình nuôi cá trê vàng ghép cá sặc rằn trên ruộng lúa.
Theo ông Bùi Thanh Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, đây là mô hình nuôi thủy sản mới ở địa phương. Mô hình do ông Châu Văn Chuyện, người làm kinh tế giỏi ở ấp 4, kết hợp với sự hỗ trợ 100% chi phí đầu tư con giống và 30% tiền mua thức ăn từ Chi cục Thủy sản tỉnh để nuôi thử nghiệm trên diện tích 8 công đất ruộng và hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Đứng trên bờ bao, ông Chuyện cho rằng với mong muốn tìm hướng đi cho đất ruộng nhiễm phèn, ổn định kinh tế gia đình thì ông đã từng nghĩ đến việc trồng màu, hay nuôi 1 vụ cá ruộng thay thế cho vụ lúa Thu đông hàng năm. Vì vậy, hơn 5 năm qua, ông đã bỏ hẳn lúa vụ 3 (Thu đông), tận dụng mùa nước nổi tiến hành bón vôi bột để tháo chua, rửa phèn và thả nuôi cá đồng tự nhiên. Tuy nhiên, sản lượng thường không cao.
Không từ bỏ ý định, ông tận dụng ao, mương sẵn có, với tổng diện tích mặt nước khoảng 500m2 làm nơi dự trữ nước ngọt, đồng thời kết hợp sử dụng lưới mùng để ương cá giống nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. Vụ lúa Thu đông 2016, ông đã nuôi thử nghiệm 97kg cá trê vàng và 10kg cá sặc rằn. Nhờ cẩn thận chăm sóc, qua 4 tháng nuôi thả lan trên ruộng lúa, đàn cá lớn rất nhanh.
Theo đó, bình quân trọng lượng đạt khoảng 250 gram/con cá trê vàng và 100 gram/con cá sặc rằn. “Mô hình nuôi cá trê vàng ghép với sặc rằn trên ruộng lúa là cách làm hay. Bởi lẽ, với 2 loại cá này, có thể thích ứng tốt với nồng độ phèn cao. Ngoài ra, cá sặc rằn chuyên ăn tảo, rong và phần thải của các loại cá khác nên môi trường nước ít bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, ít bị bệnh”, ông Chuyện cho hay.
Nở nụ cười tươi, ông Chuyện cho biết thêm: “Điều đáng mừng là tính đến nay, chi phí đầu tư nuôi cá khoảng 20 triệu đồng, nhưng đổi lại sản lượng ước đạt trên 1,5 tấn cá trê vàng thương phẩm. Đặc biệt là cá trê vàng vẫn giữ được màu vàng tự nhiên nên giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, lời gấp nhiều lần so với làm lúa. Do đó, vụ Thu đông năm tới, tôi dự định thuê máy Kobe để lên bờ bao kiên cố thả nuôi gấp đôi năm nay, giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định hơn”.
Ông Bùi Thanh Lạc nhấn mạnh: Lâu nay, người dân địa phương có thói quen độc canh cây lúa để phát triển kinh tế gia đình, nhưng năng suất không cao. Bởi đất ruộng ở địa phương có một số nơi bị nhiễm phèn nặng. Chưa kể là đầu năm 2016, còn chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề. Vì vậy, tới đây, ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái thì địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, hỗ trợ và khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật để nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhất là nuôi cá trê vàng ghép với cá sặc rằn trên ruộng lúa, nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích canh tác, ổn định cuộc sống gia đình.
Báo Hậu Giang