Hiện trạng và triển vọng phát triển ngành rong biển Việt Nam

(vasep.com.vn) Việt Nam có đến 800 loài rong biển đã được xác định. Trong đó nhiều chi có sản lượng tự nhiên lớn Sargassum, Hormophysa, Hydroclathrus (rong Nâu); Gracilaria, Hydropuntia, Hypnea (Rong Đỏ); Ulva, Chaetomorpha, Cladophora (Rong Lục), rong nho ( Caulerpa lentillifera) và một số loài khác đang được nuôi trồng trong ao đìa, vịnh, bãi triều ven biển.

 Năm 2015 diện tích trồng rong biển 10.150 ha, có 8.200 ha trồng rong câu, chiếm 80,8% trong tổng diện tích trồng rong biển của cả nước; tiếp đến là diện tích trồng rong Sụn với 1.550 ha chiếm 18,9% trong tổng diện tích trồng của cả nước. Đối tượng rong guột và rong mứt chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với diện tích lần lượt là 300 ha và 100 ha.

Định hướng phát triển rong biển nhằm đẩy mạnh chương trình nghiên cứu và phát triển trồng rong biển có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ứng dụng trong carrageenan. Tăng cường phát triển trồng rong biển công nghiệp từ người trồng cho đến người thu mua sản phẩm đến chế biến sản phẩm cho chất lượng tốt. Mở rộng phát triển trồng rong biển trên biển và hải đảo, trên các đầm phá nhằm tăng sản lượng rong biển trồng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường biển đảo.

Các giải pháp phát triển rong biển gồm:

Giải pháp về thị trường: Thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Các DN chế biến cần đổi mới công nghệ để đa dạng hóa mặt hàng rong biển, phát triển mặt hàng mới nhằm mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và yêu cầu khắt khe của các nhà NK. Cần xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường mối liên hệ giữa người trồng rong và DN chế biến tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định và nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Giải pháp về Khoa học công nghệ: Đầu tư hợp lý về cơ sở vật chất, thiết bị và lực lượng cán bộ khoa học cho nghiên cứu nguồn lợi, sinh học rong biển, hoàn thiện công nghệ nuôi, khai thác, chế biến một số loài rong biển kinh tế. Công tác nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển nghề trồng rong biển.

Giải pháp về khuyến ngư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Thường xuyên tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và người trồng rong biển tập huấn và tham quan các địa điểm có mô hình trồng rong biển thành công và cho năng suất cao nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề trồng rong biển. Cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có liên quan đến công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất rong biển. Đào tạo các đối tượng là cán bộ nghiên cứu khoa học-kỹ thuật, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật và quản lý kinh tế và công nhân kỹ thuật làm việc tại các DN chế biến, lao động trực tiếp trồng rong biển và có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau khi kết thúc đào tạo.

Giải pháp về giống: Khoanh vùng lưu giữ giống rong biển cho từng địa phương nhằm đảm bảo cung cấp đủ số lượng rong giống cho người dân. Đầu tư xây dựng vùng chuyên cung cấp rong giống theo từng khu vực. Đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng giống, tạo giống chất lượng cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng di truyền của các loài rong.

Giải pháp tổ chức sản xuất: Xây dựng các mối quan hệ sản xuất mới trên cơ sở mô hình sản xuất liên kết  các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển. Gắn kết khu vực sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến để giảm rủi ro về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ quan chức năng hướng dẫn người trồng theo đúng mùa vụ, mật độ rong giống thích hợp đối với từng đối tượng trồng và phù hợp với từng điều kiện vùng sinh thái thông qua hoạt động khuyến ngư. Người dân tự liên kết với nhau để sản xuất, người dân có đất thì góp đất, có  vốn thì góp vốn hoạt động sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác.

Việt Nam có các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi tự nhiên và nuôi trồng rong biển. Việc nuôi trồng rong ở biển có tiềm năng lớn do diện tích mặt nước lớn và điều kiện môi trường thuận lợi. Các nhà đầu tư bắt đầu chú ý nhiều hơn đến lãnh vực này, các công ty rong biển được thành lập ngày càng nhiều hơn, từ nuôi trồng đến chế biến và thương mại. Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến nghiên cứu và phát triển công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực chế biến và ứng dụng các chế phẩm từ rong biển. Cần một dự án cấp nhà nước để khảo sát lại toàn bộ ngành rong biển để có số liệu thống kê phục vụ công tác qui hoạch và chính sách vĩ mô.

(Trích nội dung các bài trình bày tại Hội thảo: “Thực trạng và triển vọng phát triển ngành rong biển Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản, Trường ĐH Nha Trang và VASEP phối hợp tổ chức ngày 5/8/2016 trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2016)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục