Được mùa vụ cá nam

Đánh bắt hải sản đã thật sự vực dậy sau sự cố môi trường biển, khi nhiều tàu, thuyền liên tục trúng đậm vụ cá nam.

Có lãi

Tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hạ thủy vào cuối năm 2016 và bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu vụ cá nam năm nay. Đây cũng là thời điểm giá hải sản phục hồi sau sự cố môi trường biển. Điều đáng mừng, từ khi đi vào khai thác đến nay, tàu vỏ thép liên tục trúng đậm, nhất là đầu vụ cá nam.

Chủ nhân chiếc tàu vỏ thép- ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) chia sẻ: “Chuyến biển đầu tiên sử dụng tàu vỏ thép với các trang thiết bị đánh bắt hiện đại, tui cũng như các thuyền viên khá lúng túng, chưa tự tin. Từ vụ thứ hai, rồi các vụ kế tiếp đã cho chúng tôi những kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng các thiết bị”.

“Hơn 5 chuyến biển đầu vụ cá nam đều đạt hiệu quả khá cao, bình quân mỗi chuyến đánh bắt hơn 10 tấn hải sản các loại, thu nhập trên 300 triệu đồng. Việc sử dụng hầm bảo quản hiện đại kéo dài thời gian từ 15-20 ngày, hải sản vẫn đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt. Sử dụng đèn led trong quá trình khai thác còn giảm chi phí nguyên liệu. Hệ thống định vị, dò cá hiện đại đã phát huy hiệu quả cao trong đánh bắt”, ông Chiến xởi lởi.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Nguyễn Quang Dân thông tin, vụ cá nam năm nay, hầu hết các tàu xa bờ trên địa bàn đều có lãi, hộ thấp nhất lãi 50-70 triệu đồng/chuyến, hộ lãi cao từ 100 triệu đồng trở lên/chuyến.

Chủ tàu vỏ gỗ đầu tiên đóng theo chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 - Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An phấn khởi khi đầu vụ cá nam liên tiếp trúng đậm.

“Tàu hạ thủy không lâu thì ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên hiệu quả khai thác chưa cao. Sau sự cố này, nhất là từ khi vào vụ cá nam năm nay, hiệu quả đánh bắt khá cao, giá hải sản ổn định. Mỗi chuyến đánh bắt từ 10 tấn cá trở lên, trừ mọi chi phí lãi 150-200 triệu đồng. Hầu hết các mẻ cá đều được các tàu hậu cần thu mua ngay trên biển", ông Chinh nói.

Không chỉ tàu đánh bắt xa bờ, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 1.950 chiếc thuyền ở các vùng bãi ngang ven biển cũng đánh bắt hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, tại các xã ven biển huyện Phong Điền, hay các xã Vinh Thanh, Phú Diên (Phú Vang); Hải Dương (TX.Hương Trà)... liên tục trúng đậm cá trích, nục, khoai...

Ông Trần Hiền ở thôn 11, xã Điền Hòa (Phong Điền) cho biết, từ đầu vụ cá nam đến nay đã có hàng chục chuyến đánh bắt cá trích gần bờ. Hầu như chuyến nào cũng thu về vài tạ trở lên, thu nhập trên 1-2 triệu đồng/chuyến.

Công nghệ mới phát huy hiệu quả

Đánh bắt hải sản xa bờ đang ngày càng phát huy hiệu quả, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hiện đại hóa phương tiện và thiết bị khai thác. Mấy năm gần đây, số tàu thuyền đánh bắt xa bờ tăng nhanh, ngay cả khi ảnh hưởng sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân vẫn mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ.

Từ chưa đầy 200 chiếc tàu xa bờ, trong vòng 3 năm nay đội tàu đã tăng lên gần gấp đôi; nhiều hộ còn sở hữu đến 2-3 chiếc tàu công suất lớn, như các ông Phan Văn Chinh, Nguyễn Hôi ở thị trấn Thuận An; Trần Văn Chiến ở Phú Thuận; Trần Vẹn ở xã Lộc Trì (Phú Lộc)...

Không chỉ cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, ngư dân còn mua sắm ngư cụ hiện đại, nâng độ cao, chiều dài của lưới, đa dạng ngư cụ như lưới rê, vây rút chì, lưới mành, giã cào, câu cá ngừ, cá thu, chủa, mực... Đây chính là một trong những yếu tố thành công trong hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho rằng, yếu tố thành công trong đánh bắt xa bờ là nhờ tàu công suất lớn, ngư cụ đa dạng và hiện đại. Trước đây, do hạn chế về hầm ướp, tàu nhỏ, tàu hậu cần còn ít nên chỉ đánh bắt vài ngày, nhiều lắm chỉ 7 ngày thì phải đưa hải sản vào bờ. Bây giờ có hầm bảo quản tốt, ngư cụ đa dạng, quy mô lớn hơn, có đội tàu hậu cần chuyên thu mua hải sản trên biển nên mỗi chuyến đánh bắt kéo dài 10 ngày trở lên, nhiều chuyến đến 20 ngày.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, vì vụ cá nam vẫn còn dài nên chưa thể thống kê sản lượng đánh bắt. Tuy nhiên, qua theo dõi, từ đầu vụ đến nay đã hai tháng cho thấy hiệu quả đánh bắt vụ cá nam tương đối cao. Điều quan trọng là sau sự cố môi trường biển, giá hải sản bắt đầu ổn định, tương đương với trước đây. Sản lượng đánh bắt đều tiêu thụ nhanh chóng, không còn tình trạng tồn kho như thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 370 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 2 tàu vỏ thép và khoảng 1.950 thuyền đánh bắt gần bờ. Các địa phương, ban ngành đang tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, composite theo Nghị định 67 của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

(Theo báo Thừa Thiên Huế)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục