Thông tin từ dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” cho thấy, nghêu là 1 trong 4 mặt hàng xuất khẩu chính của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam với doanh thu hàng năm là 200 triệu USD. Do đó, chuỗi giá trị nghêu cần được tổ chức tốt hơn, công bằng hơn và mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp.
“Khát” nguyên liệu nghêu
Hội thảo khởi động dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” bước đầu mở ra nhiều thông tin về tiềm năng kinh tế từ con nghêu, nhưng cũng cho thấy có quá nhiều thách thức trong chuỗi giá trị nghêu hiện nay.
Vấn đề bức thiết của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nghêu là mặc dù nhu cầu tiêu thụ nghêu ở châu Âu và châu Á rất cao, nhưng nhiều DN xuất khẩu nghêu đang rất “khát” nguồn nguyên liệu. Đại diện Công ty TNHH Minh Đăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, là công ty chuyên xuất khẩu nghêu, nguồn nguyên liệu chủ yếu mua ở Bến Tre và Tiền Giang nhưng suốt thời gian qua, nguồn nguyên liệu ở hai tỉnh này khá đắt và khan hiếm, cũng như chưa ổn định, công ty phải mua thêm từ các tỉnh miền Bắc, do đó chi phí vận chuyển tăng cao. Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát (huyện Bình Đại) - đơn vị chuyên xuất khẩu nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh - thì cho rằng, công ty luôn có nhiều đơn hàng và họ thường phải từ chối do thiếu nguồn nguyên liệu.
Được biết, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh là 3 tỉnh có vùng nuôi nghêu lớn của cả nước. Riêng sản phẩm nghêu của tỉnh từ năm 2009 đã được chứng nhận MSC, đây là một thành công lớn giúp sản phẩm nghêu mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… Nhờ đó, giá bán sản phẩm cũng tăng từ 25 - 30%, đời sống người dân được cải thiện. Việc mở rộng vùng đạt chứng nhận MSC và gắn kết sản xuất theo chuỗi là rất cần thiết hiện nay. Được biết, toàn tỉnh có 4.000ha nuôi nghêu, sản lượng nghêu hàng năm của tỉnh đạt 4.500 - 5.000 tấn và con nghêu mang lại cho tỉnh bình quân 75 tỷ đồng/năm.
Định hướng phát triển bền vững
Những người làm dự án đã phân tích một số thách thức lớn mà người sản xuất quy mô nhỏ, các DN chế biến vừa và nhỏ đang đối mặt. Đó là năng lực, kỹ thuật sản xuất còn hạn chế và chưa bền vững. Hầu hết sản phẩm của các hộ dân chỉ là sản phẩm thô hoặc được sơ chế với chất lượng, giá trị thấp. Các DN chế biến vừa và nhỏ chỉ gia tăng một phần giá trị không đáng kể trong chuỗi do quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu, trong khi đó, các công ty lớn lại thiếu kết nối với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Thực trạng này khiến hộ sản xuất và DN chế biến khó áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Bên cạnh đó, chuỗi thị trường dài, phức tạp và phải tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu về vệ sinh môi trường nghiêm ngặt. Tuy nhiên, mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi còn lỏng lẻo. Người sản xuất quy mô nhỏ còn yếu thế trong việc đàm phán với các bên thu mua và các DN chế biến. Phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định, trong khi họ chiếm đa số nhân lực trong sản xuất, chế biến nghêu. Cấu trúc quản trị của chuỗi giá trị chưa hoàn thiện đầy đủ để hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất bền vững và sự phát triển toàn diện của chuỗi giá trị.
Dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng cho 10 ngàn người sản xuất quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng doanh thu cho 30 DN chế biến vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị nghêu; góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua phát triển chuỗi giá trị bền vững và toàn diện.
Tổng vốn của dự án dự kiến riêng tại tỉnh là 228 ngàn USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng. Dự án trị giá 4,3 triệu Euro, kéo dài trong 4 năm, từ 2018 - 2022.
(Theo báo Đồng Khởi)