Cà Mau: Tín hiệu đáng mừng cho “con cua Năm Căn”

Nhãn hiệu tập thể “cua Năm Căn - Cà Mau” được công nhận từ năm 2015 đến nay, nhưng trên thực tế vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Bởi trên thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước, việc mua bán cua thương phẩm lấy danh nghĩa cua Năm Căn diễn ra tràn lan nhưng thật giả lẫn lộn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, nếu không biết cách nhận biết. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng mặt hàng cua ở vùng ngập mặn Năm Căn được chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.

Hợp tác xã (HTX) cua biển Năm Căn (thị trấn Năm Căn) vừa mới thành lập, một lần nữa khẳng định quyết tâm “giành” lại thương hiệu con cua ở Năm Căn của chính quyền cơ sở. “Việc thành lập HTX cua biển Năm Căn là để bảo đảm uy tín và giữ vững thương hiệu cua Năm Căn, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nông dân trực tiếp nuôi cua”, ông Phạm Trường Giang, Chủ tịch UBND thị trấn, khẳng định. Ông Vương Châu Bắc, Phó Giám đốc HTX: “Con cua Năm Căn nổi tiếng về chất lượng, nhưng đến nay chưa giữ vững được thương hiệu. Vì vậy, những anh em làm cua lâu năm và có diện tích nuôi cua thương phẩm đã hợp tác với nhau thành lập HTX để cố gắng xây dựng lại vững chắc thương hiệu con cua Năm Căn”.

HTX hiện có 18 thành viên, là những người có kinh nghiệm về nuôi và kinh doanh mặt hàng cua; hoạt động ở các lĩnh vực: Nuôi cua, kinh doanh cua thương phẩm, làm dịch vụ sản xuất và cung ứng con giống, thức ăn, thuốc xử lý ao đầm, đại diện ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ cua nguyên liệu.

Mục tiêu chính của HTX hướng đến là mở rộng vùng nuôi cua nguyên liệu hàng hóa, đảm bảo về chất lượng với quy mô lớn, gắn với liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, thực hiện mô hình nuôi cua theo hướng an toàn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, cung cấp cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên để đi vào hoạt động hiệu quả, hiện các thành viên HTX đang từng bước củng cố cách thức tổ chức làm ăn một cách đồng bộ: Xây dựng phương án, kế hoạch nuôi cua phù hợp với yêu cầu thị trường, đẩy mạnh phát triển quy mô, dịch vụ nuôi trồng thủy sản khép kín, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng uy tín trên thị trường. “Đặc biệt là ưu tiên quảng bá, làm thế nào để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết mặt hàng cua: Dây trói cua có đặc trưng riêng, trọng lượng nhẹ. Mặt khác, rất cần ngành chức năng tỉnh hỗ trợ xây dựng website, ngoài việc quảng bá hình ảnh thương hiệu cua Năm Căn, thông qua đó HTX còn cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến con cua về chất lượng, mẫu mã để người dân an tâm sử dụng”, ông Giang thông tin.

Huyện Năm Căn có 25.676ha diện tích nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm, cua kết hợp), hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 tấn cua thương phẩm. Toàn huyện có rất nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng cua, riêng ở thị trấn Năm Căn có trên 20 doanh nghiệp thu mua cua biển, xuất sang thị trường Trung Quốc với quy mô lớn. Đặc biệt, địa phương có điều kiện thuận lợi: Vùng nuôi cua đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi; ngành chuyên môn quan tâm chuyển giao khoa học - kỹ thuật từ khâu sản xuất, kinh doanh con giống đến hình thành và mua bán cua thương phẩm, từ đó năng suất, sản lượng cua Năm Căn đạt chuẩn để xuất khẩu.

Đối với kinh tế thủy sản của huyện, con cua là mặt hàng chủ lực đứng thứ hai sau con tôm. Việc HTX cua biển Năm Căn được thành lập là tín hiệu đáng mừng, nhằm vực dậy tiềm năng ngành thủy sản nói riêng, ngành cua biển huyện Năm Căn nói chung.

(Theo báo ảnh Đất Mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục