Bình Thuận: Thành công mô hình quản lý nguồn lợi sò lông

Thuận Quý (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) là xã ven biển với nguồn lợi thủy sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ dồi dào. Tuy nhiên lâu nay ngư dân trong vùng chỉ chuyên tâm khai thác nguồn lợi, không quan tâm nhiều đến bảo vệ dẫn đến khai thác quá mức làm cho nguồn lợi cạn kiệt, mất khả năng phục hồi. Chính vì vậy, Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/SGP), Hội Nghề cá triển khai dự án: “Thí điểm mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo vệ sinh thái ven biển xã Thuận Quý”.

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã thành công ngoài sự mong đợi, bà con ngư dân, những người “nặng lòng” với dự án vui mừng hơn cả. Đây là mô hình thứ hai sau mô hình đồng quản lý nguồn lợi điệp quạt tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Quý, cho biết: Thực tế dự án xuất phát từ nguyện vọng của bà con ngư dân, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, nhưng địa phương luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía Hội Nghề cá, người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án nên đồng lòng ủng hộ mới thành công”.

Mô hình được thực hiện từ đầu năm 2015 đến 30/6/2017, trên diện tích 16,5 km2 tại vùng biển xã Thuận Quý. Kết quả triển khai mô hình cho thấy đã huy động được sự quan tâm, tham gia đóng góp của người dân, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành trong nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò hệ sinh thái biển; giảm hành vi vi phạm các quy định về khai thác như khai thác không đúng kích cỡ, mùa vụ, sử dụng xung điện, chất nổ và hoạt động sai tuyến của nghề giã cào… Qua triển khai mô hình đã giúp nguồn lợi sò lông được phục hồi, mật độ tại thời điểm cao nhất đạt khoảng 150 con/m2. Bên cạnh đó xuất hiện trở lại tôm hùm con, cá ngựa trong vùng dự án, sản lượng mực, một số loại cá có sự gia tăng đáng kể.

Theo Ban quản lý dự án nhận định, vùng biển xã Thuận Quý có nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, vì thế mô hình này giúp cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho ngư dân trong vùng. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng chính là bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống cho chính ngư dân. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hội Nghề cá nhìn nhận: “Sau khi kết thúc mô hình sẽ chuyển giao cho chính quyền, người dân tiếp tục quản lý và khai thác dự án. Để tiếp tục thực hiện tốt dự án, địa phương cần có kế hoạch, giải pháp phát triển mô hình bền vững, bên cạnh đó các ban ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện dự án như cam kết”.

(Theo báo Bình Thuận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục