Bình Thuận: Nguồn lợi điệp quạt ở Tuy Phong được tái tạo

Trước nguy cơ những loài nhuyễn thể 2 mảnh có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xuất khẩu đặc biệt là con điệp quạt, tỉnh đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận”.

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10/2013 với mục tiêu chính là khai thác bền vững nguồn điệp quạt tự nhiên, đồng thời đảm bảo phân phối hài hòa quyền lợi giữa các đối tượng sử dụng, nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân thông qua phương thức đồng quản lý. Dự án được triển khai từ năm 2013 đến 2015 tại vùng biển Phước Thể trên diện tích 2.628 ha mặt nước biển. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, sự hỗ trợ của Công ty TNHH Hải Nam và tổ chức phi chính phủ VBCF (Quỹ thách thức doanh nghiệp Việt Nam).

Dự án đã tiến hành thả điệp quạt và xây dựng mô hình tổ đoàn kết bảo vệ ngư trường. Từ mật độ 1 con điệp quạt/100m2 của năm 2013, đến năm 2016 mật độ điệp quạt đã tăng 136 con/100m2. Trữ lượng nguồn lợi điệp đã có sự phát triển đột biến so với khi thực hiện dự án, trong 3 năm (từ 2014 - 2016), trong vùng dự án, điệp quạt xuất hiện với mật độ dày chưa từng có trong 15 năm trở lại đây. Cùng với việc bảo vệ, phát triển điệp quạt, các loại thủy sản khác cũng theo đó được bảo vệ và phục hồi. Một số loài đã bắt đầu xuất hiện trở lại sau thời gian biến mất như: cá gáy, mú, tu hài, sò lông… Một số rạn san hô bị phá hủy đã bắt đầu sinh sôi nảy nở trở lại, đáy biển và hệ sinh thái ổn định hơn do không còn tình trạng hoạt động của nghề lưới kéo và chất nổ. Đây có thể xem là một tín hiệu vui trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án đã góp phần làm tăng tính đoàn kết và hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất của cộng đồng được nâng cao. Ngư dân đã quan tâm và ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản qua việc tổ chức các hoạt động tuần tra, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Mối quan hệ giữa cơ quan chức năng với chính quyền địa phương và ngư dân được cải thiện và ngày càng thắt chặt. Quá trình thực hiện dự án đã làm tăng mức thu nhập các nghề của ngư dân, nhất là nghề lặn hải đặc sản tăng khoảng 125 - 175%, nghề lưới mùng tăng khoảng 50 - 167%... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án còn có một số khó khăn do năng lực điều hành, quản lý và chủ động tổ chức các hoạt động cho ngư dân thành viên của tổ chức cộng đồng còn hạn chế. Một số ngư dân chưa có ý thức tự giác và trách nhiệm tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng. Vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi ích trước mắt, lén lút sử dụng xung điện, khai thác điệp, sò lông con ở ngoài vùng biển triển khai dự án.

Theo ông Huỳnh Quang Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, thời gian tới chi cục sẽ tiếp tục đề xuất tỉnh áp dụng rộng rãi hơn việc phân quyền, phân cấp quản lý khai thác vùng biển ven bờ cho cấp địa phương và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường đầu tư về con người, phương tiện cho cấp huyện/xã đảm bảo hiệu quả trong quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ sau khi được phân cấp, tiếp tục duy trì mô hình dự án đã được xây dựng. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cộng đồng ngư dân về bảo vệ nguồn lợi điệp quạt nói riêng và thủy sản nói chung, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm...

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục