Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định chọn cá ngừ đại dương là sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tiến tới thành lập hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo cụm liên kết ngành.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Định đã đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mặt hàng nông sản chủ lực trên nhằm được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương. Theo quyết định của UBND Bình Định, 7 xã ở huyện Hoài Nhơn sẽ tham gia chương trình này, với quy mô 1.000 chiếc tàu công suất lớn chuyên khai thác cá ngừ đại dương bằng hình thức câu tay, sản lượng khoảng 8.000 - 9.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm 722,5 tỷ đồng/năm, tiêu chuẩn chất lượng đạt an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.
Được biết, Bình Định hiện có gần 8.000 tàu cá (trong đó, 3.850 tàu khai thác xa bờ, là một trong những địa phương có số lượng tàu khai thác xa bờ lớn nhất Việt Nam) với hơn 37.000 lao động nên sản lượng khai thác của ngư dân đạt khoảng 200.000 tấn mỗi năm. Ngư dân Bình Định khai thác chủ yếu tại các ngư trường truyền thống như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Đội tàu cá 25 chiếc tham gia mô hình đánh bắt theo chuỗi cũng đã triển khai thực hiện được hơn 2 năm và cá ngừ Bình Định cũng đã tham gia đấu giá thành công tại Nhật Bản với giá cao gấp 3 lần so với giá bán trong nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, ngư dân Bình Định cũng gặp không ít khó khăn. Công nghệ khai thác và bảo quản sau thu hoạch trên tàu chưa tốt, tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt vì vi phạm lãnh hải vẫn xảy ra.
Để khắc phục khó khăn, hiện nay các ngư dân Bình Định đã đăng ký thành lập các tổ, đội tàu đoàn kết khai thác thuỷ sản trên biển. Các tổ, đội này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và 4 cùng (cùng: nghề, ngư trường, nơi cư trú, gia đình hoặc là bạn bè của chủ tàu). Mỗi tổ, đội tàu đánh bắt cá xa bờ từ 3-5 tàu. Hiện tại, Bình Định có 451 tổ đoàn kết với hơn 1.829 tàu tham gia, giúp ngư dân gắn kết hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác…
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Bình Định cũng cùng các ngân hàng tín chấp cho ngư dân vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán đóng mới tàu thuyền khoảng 200 tỷ đồng với gần 6.000 hộ vay. Tiến hành cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với 5 dự án (1,15 tỷ đồng cho 65 hộ vay).
(Theo TCTS)